Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

May áo bé gái nhỏ - Áo Xuân Hè (1)

Quần phồng liền với áo
May cho bé gái khoảng 6 - 12 tháng

VẬT LIỆU:
- 50cm vải khổ 120cm
- 1m ru băng/ ribbon
- 60cm ren loại có thể luồn ru băng
- 70cm thun ren
VẼ RẬP (kích thước này đã trừ đường may - số đo này may cho bé 'roi roi', nếu bé bụ bẩm thì phải tăng số đo)
Quần phồng thân sau (vẽ rập chỉ vẽ có phân nữa, vải phải gập đôi lại)
- ngang AB = 22cm
- dài CD = 30cm
vẽ ống quần
- Cc = 3cm - Ci = 1cm > nối ci >> vẽ hơi cong để làm đáy quần.
- Dd = 7cm > nối di để có ống quần
Rập quần phồng  thân sau sẽ được cắt theo A B c i d > cắt rập khỏi chừa đường may.
Quần phồng thân trước có đáy ngắn hơn thân sau 3cm (cũng là vải gấp đôi)
lấy thân sau làm chuẩn để vẽ thân trước
- từ C đo trở về A để có Ca = 3cm >  vẽ đường cong của đáy quần song song với đường cong của đáy quần thân trước >> nối góc của đáy vừa vẽ vào điểm d để có ống quần của thân trước > cắt rập thân trước.
Phần thân áo ( vòng cổ khác nhau, thân sau là vải gấp đôi, thân trước cắt làm 2 mảnh và phải chừa thêm 5cm để làm nẹp áo
vẽ thân sau (chiều dài Af = 18,5cm, chiều rộng nhất AB = 15cm)
vẽ đường vòng eo (ngang eo = 15cm)
- ngang eo AB = 15cm > Bb1= 1cm >> đánh cong đường Ab và b1 thì đường abb1 sẽ là đường vòng eo.
 vẽ phần ngang ngực (ngang ngực  ac = 14cm)
-> từ A đo lên 5cm để có Aa= 5cm, vẽ đường aC song song với AB. Trên đường aC lấy điểm c để có Cc = 1cm > nối b1c thì sẽ có ac=14cm
- dài áo CD = 18.5cm
vẽ cổ áo
fE = 6.5cm  và fF = 3cm > đánh cong FE thí sẽ có vòng cổ thân sau. 
GH = 2.5cm (hạ vai) DH = 3.5cm
> nối ED thì sẽ có đường hạ vai chung cho cả thân trước và thân sau.
Vẽ thân trước
đặt thân sau lên để vẽ theo thân sau > vẽ lại vòng cổ
vẽ vòng cổ:
fK = fE = 6.5cm > vẽ đường cong vòng cổ
CẮT VẢI
- trừ thân trước phải cắt làm 2 mảnh rời và phải cộng thêm  5cm (chọn phần bìa vải có sẵn biên vải để khỏi tốn công may), các phần còn lại đều cắt trên vải gấp đôi, khi cắt phải lấy dấu nơi đường gấp đôi để tiện việc may sau này.
- cắt vải xéo cở 3cm để viền vòng cổ, vòng nách, riêng đáy quần thì cần vải xéo khoảng 4 - 5cm
MAY
May thân áo
1/ ráp đường vai
2/ viền nách áo (bề mặt của vải xéo tiếp xúc với bề trái của thân áo, may đường thứ nhất > bẻ vải xéo ra bề mặt của thân áo >> bẻ mép vải xéo và bập vào thân áo sao cho phần vải xéo bằng 1cm >>> may).
3/ viền cổ áo (xếp 3.5cm phía biên vải vào phía bề trái, đặt bề mặt vải xéo lên bề trái của thân áo .... may như đã may nách áo)
4/ may ổn định thân trước (đặt bề trái của 2 thân trước úp lên bề trái của thân sau sao cho cả hai thân trước và sau bằng nhau, chú ý phần xếp phần chồng mí vải của thân trước theo hướng sẽ cài nút > may  2 đường song song cách nhau 2cm ở đoạn chồng mí của hai thân trước, nhằm để dằn kết dính hai thân trước lại với nhau ở phần ngang eo)
5/ may ráp thân trước vào với thân sau
May quần phồng
1/ viền đáy quần
2/ ráp thân trước vào với thân sau
3/ may ren thun vào ống quần:
> bẻ bề mặt vải vào phía bề trái của vải khoảng 0.5cm > may tay để lượt cho ổn định mép vải cho dể dàng may ren thun.
>> đặt  bề mặt của ren thun phía dưới phần vừa lượt (hai bề mặt cùng hướng, nhớ gập đầu ren thun để che đầu mối thun) >> hai đầu của ống quần thì may tự nhiên  khoảng 5cm không kéo thun >>  ghim kim để giữ đầu mối và trung điểm của ren thun xuống vải > may đường thứ nhứt ở bề mặt của vải, khi may phải giử chặt hai đầu mối nơi đã ghim kim để kéo sợi ren thun dài bằng vải - may tới đâu rút kim ghim đến đó và may đến hết ống quần - may theo góc L cho ra khỏi mí vải >> không cắt chỉ và lật ống quần ra bề trái và may sát mép ren thun (cũng phải dùng hai tay để căng vải/ may như cách may đường thứ nhứt)
4/ may đường chỉ thưa ở lưng quần > rút dún vải cho lưng quần vừa với thân áo
Ráp thân áo vào lưng quần (ở đây ghi cách may không có dùng máy vắt sổ và có may ren ở đường ráp, nếu dùng ren có luồn ribbon thì phải luồn ribbon trước khi may)
> đâu hai bề trái của đường ráp bên hông lại với nhau > may vào khoảng 1cm (như vậy phần ráp sẽ nằm ở bề mặt)
>> mở cho thân áo và quần thẳng ra và phần 1cm vừa may bẻ lên thân áo >> đặt ren lên bề mặt của vải, mép ren chồng lên che đường may (sao cho mép kia sẽ che kín trọn vẹn 1cm đã may) và may đường thứ nhất >> may tiếp đường thứ hai ở mép kia của ren.
... hì hì... xong phần may... hì hì.. 
Đơm nút (không nhớ cách làm khuy nút nên đơm nút bóp.. hi vọng 1 bạn "còm" chỉ cách làm khuy)
Kết hoa
> kéo sợi ribbon bên dài bên ngắn, luồn cho đầu ra cùng 1 lỗ
>> vòng sơi ribbon tạo dáng cánh hoa, vòng đến đâu khâu tới đó (chỉ khâu trên sợi ribbon chứ không khâu dính vào áo)
>>> dùng kim có thể xỏ sợi chỉ len để làm các điểm nhụy (xỏ kim từ dưới lên > vòng chỉ lên đầu kim, kéo sợi chỉ vừa với thân cây kim >> xiên kim trở xuống kế bên mối chỉ và rút chỉ sát với vải---> được 1 nhụy... tiêp tục cho đến hết vòng nhụy)
>>>> dùng chỉ may thường để kết hoa ribbon vào áo.
Ô TÁM dài dòng cà kê
Hôm nay người mẫu nhí đến. Bé được mặc áo mới (đã giặt rồi, chu đáo ghê chưa..)
Mẹ bé happy quá đổi, gợi ý chụp hình.... khoái quá... chụp hình lia lịa.. và mong đợi người mẫu dìa để xem hình và gõ blog.
... h... hu.. phải nấu cơm và dọn cái chiến trường làm xôi nếp than... rồi mới được tự do gõ blog.. hic.. hic.
Mệt quá, ngủ một giấc... 
Thức dậy vừa xơi xôi nếp than vừa gõ blog nên dài hơi gõ hơi nhiều (chắc chắn sẽ thừa với bạn rành rẽ về may nhưng đó là những vướng mắc của tui vì lâu quá hong có may, và hồi đó mê may nhưng hong có đủ tài chính để học may và mua vải về dọc)
Chỉ vụ viền áo mà còn trật cho nên cổ áo khác với tay áo (hong muốn tháo nên đành bẻ gập vô và may tay để dấu khuyết điểm may- chính vì vậy mà gõ nhìu nhìu để dành coi lại và cho bạn i tờ như tui xem luôn)
Vì muốn vòng tay không quá rộng, nên may vòng tay với số đo như đã ghi nên khi mặc vào cho bé hơi kém thoải mái (có lẽ nên trừ hao đường may thì nách áo sẽ rộng thêm 2cm) vì vậy hứa với mẹ của người mẫu nhí sẽ may áo khác cho cài nút trên vai... chờ tui nhen.. sẽ khoe tiếp
.. Ừ mà mẹ của bé gợi ý làm bông hoa ribbon cho mẹ bé cài vào nón cho "tông suỵt tông".. nhưng không có ribbon... Sẽ mua Ribbon và ghi lại cách làm hoa bằng Ribbon... hì hì..

móc  Áo khoác cho bé gái nhỏ (1), nếu móc bằng chỉ coton có thể dùng làm duyên cho thời trang mùa Xuân.

Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2012

Trồng khoai mỡ trong thùng xốp

Đất ở đây dể bị kết dính khi tưới nước nên đất không xốp. 
Mặc dù có trộn thêm Mushroom compost và phân bò mua mà đất vẫn chai cứng... cho nên trồng khoai mỡ củ không lớn nổi (có nói ở bài TRỒNG RAU CỦA QUÊ MÌNH)
Thử trồng khoai mỡ trong thùng xốp.
14/9/2013: Hôm nay đào khoai, khoai có củ, trồng trong thùng xốp như dưới đây thì khoai mở vẫn có củ. Bạn thử đoán xem củ khoai cỡ nào, xem giải đáp ở giữa bài này... hì.. hì.. vui ghê..
Có lẽ nơi nào đất khô cứng thì trồng khoai môn theo kiểu này rất tiện.
Chất trồng: Trộn Potting Mix, đất cũ có sẵn trong thùng xốp, phân bò, cỏ khô và rải quanh củ khoai chừng 1 muỗng canh phân Dynamic Lifter.
- Chậu trồng: dùng 2 thùng xốp đặt chồng lên nhau để có độ sâu khoảng 60cm. Định khoét cả 2 thùng xốp nhưng để lần sau.
> Khoét bỏ đáy của 1 thùng xốp > đặt lên trên 1 thùng xốp khác >> để nguyên củ khoai lên trên gần miệng thùng thứ hai >>> lấp đất lại.
Định cắt bớt 1 phần củ nhưng phải chờ củ khô mặt vết cắt mới trồng được. Sợ rằng thiếu quyết tâm làm chết khô dây khoai nên để nguyên củ thử coi kết quả ra sao.
*Ba tui nói, hồi đó Nội tui ươm mầm bằng cách:
> khoảng tháng 10, lựa củ khoai già (vỏ xù xì cho tới trọn củ hoặc nhìn vỏ khoai xậm màu) >> bổ đôi rồi cắt thành từng đoạn, nhắm chừng khoảng 5cm (nói chung chia đều đoạn khoai, có thể dài hay ngắn hơn 5cm) > nhúng vô tro bếp cũ cũ > xếp phần vỏ khoai tiếp xúc với tro bếp đã làm cho ẩm tí tí được để vào cái rổ tre cũ đã lót lá chuối khô  > đem để xuống đất chỗ tối và ẩm chờ nãy mầm.
> hoặc khi nấu canh khoai mỡ thì cắt lấy phần tiếp xúc với cuống khoảng 5cm > nhúng tro đã để sẵn vô phần đầu của cái gáo dừa vì có cái lỗ để thoát nước... rồi lần hồi rưới tí nước... rồi chờ.
*Ba tui nói, Nội trồng khoai mỡ trong gốc dừa mục, chẳng cần bón phân gì hết chỉ cắm chà cho dây leo lên cây mậnm cây ổi... và dây leo cao thì củ lớn.

..ở đây làm gì có gốc dừa mục..hì..hì... BÂY GIỜ THÌ CHỜ khoảng 6 tháng... sẽ gõ tiếp kết quả vào đây.
BỔ SUNG: 14/9/2013
 Trồng khoai mở ngày 24/11/2012 
Lá vàng dấu hiệu của khoai tới lứa đào củ hôm tháng 6/2013
Dây khô hoàn toàn hôm tháng 7 nhưng mãi tới nay thì mới bươi đất ra xem.
Ui da, củ khoai to quá, sẽ chụp hình vào ngày mai để khoe
Khi xem hình thì mới thấy vòng sợi thước dây không chính xác ở đầu ngọn và cuối.
(Chỗ đám rể là đầu ngọn mọc dây leo và hiện nay thấy nó đang nhú mầm.)
Xin tạm xem để biết là củ khoai khá to. Khi trồng chỉ mong có củ khoai đủ để xác định cách trồng trong thùng xốp như vầy là OK, cho nên thấy củ khoai to thiệt là mừng.
Mà khoai to quá thì không được thích lắm, mùa sau nếu có mầm khoai thì sẽ trồng với cách bón phân khác hơn.
Ô tám cà kê với bạn blog
Khoai mỡ tím/ Dioscorea alata/ Winged Yam, Purple Yam
Nói về củ khoai trồng hồi trước: (hết còn nhớ thời gian, kể hương hướng chứ chính xác thì chịu thua)

Hồi 8/12/2010 có củ khoai  mọc mầm: Cắt chia củ khoai ra làm 3 phần có chứa chồi mầm. 
>Đem trồng xuống đất. Lúc rụi dây đào lên thì củ nhỏ xíu vì đất không xốp (phải nói là đất quá cứng). 
Có ca kể ở đây...coi như  mùa 1 ( 2010)
Để y củ khoai chỗ cũ và lấp đất lại rồi quên luôn. 
Núp dưới đám rau lang, củ khoai lại lặng lẽ lên mầm vào mùa mới cùng một lúc với củ khoai trong tủ dự định sẽ trồng cho mùa 2011 theo cách khác... coi như là mùa 2 
Nhưng rồi cái tay đau, rồi bị hạ nhiệt trồng trọt nên đám khoai mở dưới gốc cây hồng mềm không được chăm sóc nên mọc cao khoảng 1 với tay thì nó rụi mất tiêu. coi như mùa 2 không có đào lên để coi có củ hay không có củ.
Còn củ khoai dự trử để trồng theo dự tính thì mọc dài gần 2 m mà vẫn chưa được trồng xuống đất và cuối cùng bị chết khô vì đem ra khỏi tủ mà không trồng, không tưới nước...coi như dự tính bị tịt ngòi.
 Cách nay 3 tuần, anh xã ra tay phụ đôn ngọn đám dây su su và tổng dọn dẹp sân vườn.
Đám dây khoai lang dưới gốc cây hồng mềm được chiếu cố cắt bỏ... .. nên chăm chỉ tưới cho gốc hồng mềm - mùa vừa rồi ra trái lớn ra và tỏ ra là loại hồng mềm trái dài... dự định bao và thử cách trừ con ruồi trái cây đục trái... nhưng... chưa kịp bao là ruồi trái cây chích hư trái hết trọi chả kịp ăn thử trái nào.
Nhờ tổng vệ sinh, nhờ tưới nên mới thấy hai cái lá khoai mở của mùa mới 
(1 trong 3 chỗ trồng hồi 12/2010 - hai chỗ còn lại đất khô cứng có lẽ vì vậy mà củ khoai không mọc mầm hay là đã chết khô rồi, để tưới nước mấy chỗ đó nhiều nhiều xem sao)... coi như là dây khoai mở sống tới mùa thứ ba.
Năm nay, 2012 lại có củ khoai chưa kịp ăn để trong tủ dưới sink rửa chén  ra mầm, khi hay được thì mầm mọc dài khoảng 50cm .. cũng hay.
Lật đật đem dấu ở dưới tủ của sink ở phòng giặt cho anh xã không càm ràm...định chụp hình để khoe khoang khi thực hiện cách trồng nhưng quên bẳng.
Tới chừng đem đi trồng thì dây khoai mọc dài tìm không thấy cái ngọn len lỏi vào ngách nào của đáy sink bồn giặt. Rút nhè nhẹ không thấy nhúc nhích. Rút mành mạnh cũng không thấy gì.
Không còn cách nào hơn là giật thật mạnh... hic.. phựt.. cái ngọn đứt mất tiêu... 

Nói về Potting Mix:
Năm nay Ba tui cho 2 dây bầu và 3 dây mướp. Dây bầu của Ba tui đã bỏ vòi leo giàn. Bọn bầu mướp về nhà tui vẫn còn trong bao buộc kín.
Nghĩ thương Ba mình cụ bị sang chiết cho mà mình bỏ bê nên ráng trồng. Năm nay cũng trồng vô chậu. Thử trồng 1 dây bằng Potting Mix.
Dây bầu còi cọc, có tưới Seasol ( ..= , N = 12% , P = 1.4% , K = 3.08%) Chai này mua ở shop Woolworths, mới xài lần đầu... và mới tưới cho dây bầu 1 lần, nhưng lá bầu vẫn vàng hoe và không thấy ra lá mới.
?Không biết có phải Potting Mix quá nóng làm cho dây bầu bị phỏng rể mà dở sống dở chết?
Thử trồng dây bầu còn lại và dây mướp với 50% potting mix và đất trong sân vườn pha chút xíu phân bò.
Lúc mang ra trồng thì dây bầu thứ 2 và 3 dây mướp còn trong bao buộc kín đã có tua vòi ốm tong ốm teo nhưng vẫn dài ra gấp đôi so với dây đã trồng trong Potting Mix... và lá dù nhỏ xíu nhưng còn có màu xanh.
Chúng được trồng ra chậu hôm 15/11/11 và cho tới nay 16/11/2012 thì lá của chúng vẫn còn xanh chứ không vàng như dây bầu trồng trong 100% potting mix.
Có lẽ chủ nhật này sẽ bỏ cây bầu và trồng khổ qua vào để thử xem tại Potting Mix làm nóng gốc hay là tại trồng dây bầu xuống đất quá trể và dây bầu đang bị xốc vì thay đổi môi trường đột ngột.

Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

Trồng thanh long

Trồng thanh long dể hay khó?
- Dể mà khó (- dể vì không tốn công chăm sóc - khó có nhiều trái và trái ngọt)
Ghi lại đây những kinh nghiệm của người quen.

NHỮNG ĐIỀU CẦN NHỚ
- hom giống nên chọn nhánh thanh long già thì mới mau có trái
- nhánh thanh long phải khô vết cắt thì trồng không bị thúi phần mềm
- thanh long cần ánh sáng
- thanh long ưa phân bò hoai mục 
- Dynamic Lifter giúp cho trái to
*bón toàn là phân hoá học thì vỏ trái mềm và bảo quản không lâu vì vỏ dể bị nhũn.
- hàng năm phải tỉa bớt cành héo úa và ra trái liên tiếp 3-4 mùa, không được cắt bỏ cành già vì những cành đó sẽ ra trái.
- phải cắt bỏ nhánh non cho cây không bị mất sức làm cho thanh long ít hoa, và xác suất đậu trái kém (mùa xuân các cành già sẽ đâm nhiều tược non, nếu thanh long đã phủ kín giàn thì phải ngắt bỏ các tược non; nếu muốn cho có nhiều cành để phủ kín giàn thì cũng phải cắt bỏ những nhánh non mọc không đúng hướng và những nhánh yếu ớt)
- khi hoa sắp nở nên để đất khô, vì tưới nước làm hoa sẽ rụng không đậu trái.
- bao ny long khi trái bắt đầu ửng dạ màu hồng ( hườm hườm) sẽ giúp trái ngọt 
- cành non sau 2 năm mới ra trái.
TRỒNG

Hai việc phải tiến hành song song:
1/ trồng tạm: chờ cho vết cắt của hom giống thật khô > trồng tạm vào chậu nhỏ 10cm đường kính > đất trồng phải làm cho ẩm trước khi trồng và sau khi trồng thì không tưới nước khoảng 1 tuần, và sau đó thì chỉ tưới khi đất có vẻ khô (hoặc 7-10 ngày mới tưới (mùa Xuân). Còn mùa Hè thì 4-6 ngày. Riêng mùa Thu và Đông thì chỉ tưới khi đất thật khô.
Thấy Ba tui dù trồng tạm nhưng vẫn cột hom giống vào miếng gổ hàng rào đã cũ cao khoảng hơn mét. Nhờ vậy mà rể mọc ra nhiều bám vô miếng gổ và tui vẫn để y vậy khi trồng xuống. Thấy làm như vậy có lẽ tiện.
2/ làm giàn và chuẩn bị chỗ trồng
- giàn:
- tốt nhất là làm giàn dọc theo hàng rào có nhiều thời gian nhận nắng
- tốt nhất là làm giàn bằng cây gỗ cũ vì gỗ cũ có độ ẩm kích thích ra rể và nuôi rể bám vào nó.
(nếu xin được trụ và ván hàng rào cũ là tốt nhất vì ván ấy lâu bị mục và giử ẩm rất nhiều)
- có thể trồng trong chậu có đường kính khoảng 50cm
- cũng có thể tận dụng phần  bên trong của máy giặt hư để làm chậu (nhiều nhà đã trồng theo cách này trông rất đẹp và trái sai oằn thấy mê lắm)
> đào đất rộng 1 mét vuông, sâu khoảng 30 cm (rể thanh long nằm cạn trên đất và bám vào trụ nên không cần đào đất sâu)
->> đổ phân bò  và cỏ vào hố vừa đào và lấp đất lại và tưới nước mỗi ngày trong khoảng 3 -5 tháng cho phân bò thật hoai
-->>> sau 3-5 tháng thì xới đất cho tơi và trồng thanh long dựa vào trụ giàn và cột ổn định. (lúc này hom giống trồng tạm đã ra rể và tược non đã thành nhánh bắt đầu leo giàn)
CHĂM SÓC
Đối với cây mới trồng:
- cần chú ý bắt ốc và sâu để tránh bị chúng cắn ngọn vì nếu bị ngắt ngọn nhánh sẻ đâm nhiều chồi làm giảm thẩm mỹ của trụ thanh long và làm cho gốc sẽ bị rậm rạp thiếu thông thoáng và khó bón phân nhổ cỏ.
- chú ý cắt bỏ cành nhánh ốm yếu và mọc không đúng hướng
- cột các nhánh để tránh gió lay gãy cành và để ổn định vị trí của những cành chính.
- oằn các nhánh sát gốc nằm xuống đất và phủ đất lên để nhánh ra thêm rể giúp nuôi cây
- chỉ bón phân 30 ngày sau khi trồng xuống đất.
- mỗi tuần tưới 1 lần (mùa Thu và mùa Đông không cần tưới), khi tưới nên tưới ẩm các trụ gổ hoặc các rể mọc trên mặt đất.
* khi hoa sắp nở thì không tưới
* cần tỉa bớt bông để dưỡng cây hoặc cắt bỏ bông của mùa đầu.
Đối với cây trưởng thành:
- khống chế nhánh non: đầu mùa Xuân, mùa nhánh già nứt cành mọc tược non mới, phải ngắt bỏ.
- chỉ cắt bỏ những cành già đã cho trái đến lứa thứ 4 (nếu hay quên thì khi cắt trái của lứa 3 thì nên cột dây làm dấu và khi cắt trái của lứa 4 thì cắt bỏ nhánh luôn)
* khi hoa sắp nở thì không tưới
* cần tỉa bớt bông trên các nhánh, chỉ giữ những trái có vẻ mạnh mẽ để cho trái lớn đều.
BÓN PHÂN
- bón NPK (loại tan chậm) vào cuối mùa Đông và mùa Hè 
(cây tơ thành phần N phải cao; cây trưởng thành N và K cao)
* cách bón: rải đều phân trên trên mặt đất, cách xa gốc khoảng 30cm > tưới nhiều nước
* nếu thấy lá thanh long thiếu màu xanh là cây thiếu đạm phải tưới thêm phân đạm (tưới sương sương vòng quanh gốc, không được lạm dụng gây phỏng rể và tưới khi buổi sáng sớm hoặc chiều mát, không tưới ngày mưa.)
- bón kết hợp  phân bò hoai mục trộn với cỏ khô và Dynamic Lifter mỗi tháng hoặc 2 tháng 1 lần với liều lượng vừa phải... hoặc chỉ bón 2 lần vào đầu Xuân và Hè.
Góc tám linh tinh
-Thanh long chỉ ra toàn là hoa
Lúc thanh long bắt đầu có bán ở shop, trồng Thanh long là cơn sốt, cây giống 20 đến 30 đồng 1 chậu và là hàng hiếm không phải dể để mua.
Ba người bạn vui mừng hí hửng vì xin được hom giống. Tui buồn vì không có quen để xin hom giống.
Năm sau, Ba tui cho 1 cây ông đã trồng cao khoảng 1m. Năm sau (khoảng tháng 11, có 3 nụ hoa bằng đầu ngón tay út, 15 ngày sau hoa nở và 30 ngày sau thì trái chín.)
Ba người bạn của tui vẫn còn ngóng cổ chờ trái.
Mùa nhì, được 6 trái. Nhà bạn nào cũng có hoa thanh long, hoa thật nhiều và rụng hết ráo.  Tui có xin nhánh để trồng thử để coi có trái hay chỉ là hoa.
Mùa ba, được mười mấy trái. Nhà 3 bạn, thanh long ra hoa nhiều và rụng hết trọi. Hai bạn đốn phá bỏ giàn thanh long vì nói đây là Thanh Long Úc loại chỉ ra hoa không trái.
<--Bạn thứ ba tử thủ thêm mùa mới, bón phân giàu Kali... h.. h.. bông lại rụng ráo trọi. Bạn hỏi chủ nhân... chủ cho hom giống cũng chẳng có trái nào.... thế là xóa sổ bụi thanh long. Bụi thanh long trồng bén đẹp như trong hình vậy mà đốn bỏ rồi ... uổng quá. May quá, tui có chụp được mấy hình lúc cây có hoa. Thấy kiểu dáng hoa cũng giống như hoa của thanh long nhà tui mà sao không đậu trái. 
Vì vậy tui cũng đâm hoảng mà không trồng để kiểm coi vì sao. Mấy đoạn thanh long đó vẫn còn giâm tạm dưới đất.
Tóm lại, Thanh long có Thanh long chỉ ra hoa không trái hay là tưới nhiều nước trong thời điểm hoa sắp nở???
... gõ blog tự dưng thấy hứng chí,...ngày mai phải trồng nhánh Thanh long toàn hoa ấy cho biết... he.. he.. và chờ ít nhất là 2 năm vì chúng bị vứt xó khô nên tới nay thì chưa có mọc nhánh nào nhưng mập ra và xanh mướt hơn lúc mới xin về.
-Thanh long nhà tui
*nếu trổ hoa vào tháng 11 thì trái rất ngọt (vì trái tl nhận trọn nắng mùa Hè)
*nếu trổ hoa vào tháng 12 những trái lứa nhì và lứa ba thì không ngọt vì trái chín vào lúc trời chớm lạnh (trời đã sang Thu - lành lạnh)
*nếu để trái chín hoài trên cây thì sắc đỏ dần chuyển trở về màu tái, mang sắc xanh, vỏ cứng nhưng thịt rắn chắc và ngọt lắm, nếu như không bị vướng thời tiết lạnh.
*nếu thấy trời mưa thì phải cắt trái chín vào vì nếu để trên cây thì trái nào cũng bị nứt.
Chưa rành rẽ vụ tĩa cành non.
Mùa vừa rồi hễ thấy lú ra mầm non là tui ngắt bỏ... nhưng không hiểu vì đâu mà mầm nhánh mới ra quá chừng cắt không suể ... hic... và có ít trái, riêng cây đã có 1 mùa trái thì không có trái nào(- vì cắt mầm coi như kích thích ra thêm mầm? - hay do bón phân mà sức tăng trưởng kích thích ra nhiều mầm?)
Năm nay, 2012 không bón phân định kì và không có cắt nhánh non - giữa tháng 9 chỉ bón 1 lần NPK khoảng 1 muỗng canh cho mỗi gốc và tưới Seasol 1 lần (hôm giữa tháng 10) 
Tóm lại thời điểm nào thì cắt nhánh non.?? HI VỌNG MỘT BẠN BLOG 'CÒM' CHỈ THÊM VÀI CHIÊU TRỒNG THANH LONG... chờ... chờ và chờ...
Hai bụi Thanh Long mùa 2012 chưa tỉa cành... nhưng dường như không ngắt chồi hoặc cắt nhánh vào thời điểm mọc chồi non thì số lượng chồi non không nhiều (hay tại không bón phân.. ???)

Thứ Năm, 15 tháng 11, 2012

Làm Khô Bò

KHÔ BÒ MƯỚT DẦU

VẬT LIỆU
- 1kg thịt bò mềm (nhờ tiệm thịt xắt theo sớ thịt, nói rõ xắt để làm khô bò, size 4)
- 4 muỗng canh nước tương (xì dầu)
- 2 muỗng canh đường
- 1 muỗng cà phê tiêu (muỗng sét)
- 1/2 muỗng cà phê bột ngũ vị hương (Five spice, có thể dùng 1 muỗng, nếu thích)
- 2 - 3 muỗng canh dầu ăn
- 1 muỗng canh ớt khô (cho ít nhiều tùy ý mà dường như cay thì mới đúng điệu khô bò)

+ 1 khoanh gừng dầy khoảng 3 - 4 mm, giã nhuyễn
+ hoặc 1 cây sả, bầm nhuyễn, giã cho tơi thì tốt hơn/ khoảng 1 muỗng canh
* cũng có thể không dùng gừng, không dùng xả, chỉ dùng ngũ vị hương. 
nếu muốn có thêm một hương vị lạ thì có thể ướp chung sả  với gừng với ngũ vị hương.
CÁCH LÀM

Xắt thịt :Nếu không nhờ tiệm thịt xắt thì mình tự xắt.
Thịt bò để nguyên miếng to, lau khô, cho vào ngăn đá tủ lạnh để cho hơi cứng, mang ra cắt lát theo chiều của sớ thịt, lát mỏng khoảng hơn 1mm một tí (thịt để tủ lạnh cho hơi hơi cứng thì cắt mỏng sẽ rất dễ dàng).
Ướp thịt: Cho tất cả gia vị vào chén trộn đều > rải từng lát thịt vào dĩa, phết gia vị kín bề mặt của lát thịt.. tiếp tục cho hết số thịt (nhớ trải thịt cho phẳng khi ướp thịt) >> đậy kín, để tủ lạnh qua đêm cho thấm. 
xếp thịt trên giấy nến khi nướng thịt sẽ bị đọng nước 
Nướng thịt: thời gian nướng và sấy khoảng 40 - 60 phút (tùy theo oven)
Pha 3 muỗng dầu với 3 muỗng mật, khuấy đều để quét lên khi thịt chínTrải từng miếng thịt lên  vỉ nướng > đặt vỉ lên khay nướng.
 Bật lò ở chế độ có quạt (*), ở mức 150  - 200 độ khoảng chờ vài phút cho lò nóng mới cho thịt vào nướng
- Khi cho thịt vào thì chuyển sang chế độ lửa trên xuống (*) và giữ nhiệt độ khoảng 200 độ vì lửa áp sẽ làm cho thịt không bị ra nước> khoảng 5 phút sau nếu thấy mặt thịt se ráo thì trở sang mặt kia > khi cả 2 mặt đều se và ráo mặt thì chuyển sang chế độ quạt (*) ở mức 100 độ. >> khoảng 5- 10 phút thì thịt sẽ se mặt, hơi khô. 
Lấy thịt ra, trộn mật ong với dầu ăn quết lên mặt từng miếng thịt bò, nếu thích mè thì rắc mè đã rang vàng lên thịt vào thời điểm này. Cho trở vào lò sấy (chế độ quạt) ở nhiệt độ 100 -150 độ khoảng 10 phút sau thì trở sang bề còn lại. 
Nói chung, liệu thấy thịt vừa ý thích là tắt lửa (thật khô hay hơi dẽo dẽo)
* nên trải thịt trực tiếp trên vỉ nướng thì thịt không bị đọng nước làm miếng thịt kém đẹp.
Lót giấy nến hay giấy bạc thì nhẹ công rửa vỉ nhưng sẽ có một mặt thịt bị đọng nước nên nhìn không bắt mắt lắm.
(*) nói dựa vào oven ở nhà, có hình chụp ở phía dưới.
* do không dùng màu thực phẩm nên màu sắc của khô bò không sáng như  khô bò mua
* và cũng do không dùng bột ngọt nên vị thấm mê hoặc đầu lưỡi sẽ không bằng khô bò mua.
.. hì hì...nói tóm lại là không khéo... nhưng an toàn cho bao tử... đảm bảo sức khoẻ...hì.. hì..
 KHÔ BÒ khô giống như khô bò vô bao bán ở ngoài shop.
VẬT LIỆU;
- 1kg thịt bò bắp (mua bắp bò to loại dùng để nấu phở.)
- 2 tép xả bằm nhuyển (nếu có lá sả thì cắt khúc để vô cho thêm thơm)
- 1 muỗng ăn canh ớt bằm hoặc ớt khô (nếu muốn cay thì cho nhiều ớt hơn)
- 1  hoặc 2 muỗng ăn canh bột cà ri (hiệu gì cũng được)
- tí xíu bột ngủ vị hương 
- 1/2 muỗng canh bột nghệ (không có cũng không sao - bột nghệ giúp cho có tí xíu màu vàng)
- 5 muỗng ăn canh đường
- 1 muỗng ăn canh muối
- 1 muỗng ăn canh nước tương

CÁCH LÀM:
- Giai đoạn 1: LUỘC THỊT

Cho tất cả gia vị vào trong  nồi nước -> đun sôi -> cho thịt bò vào luộc cho chín (xâm thấy không còn máu là thịt đã chín-> vớt ra để cho thật nguội -> 
*nên dùng nồi nhỏ vừa với lượng thịt để khi luộc thịt không phải dùng nhiều nước vì nước luộc thịt sẽ được dùng lại để rim thịt. Cũng có thể luộc thịt trước, cho các vật liệu vào nước luộc sau khi đã chừa đủ lượng nước để rim.

- Giai đoạn 2: XắT THỊT và RIM THỊT: khoảng 1-2 giờ
xắt lát mỏng  theo chiều của sớ thịt - tức là lấy phần gân ở hai đầu làm chuẩn (thịt nguội thì lát cắt sẻ phẳng đẹp)
Cho tất cả thịt vừa xắt vào nồi nước luộc, đun lửa nhỏ cho tới khi cạn nước
* nên để thịt vào nồi có chú ý sắp xếp vì khi rim không dùng đũa để đảo trộn làm nát vụn thịt, thỉnh thoảng lắc lắc nồi cho thịt không bị dính sát đáy nồi (tui bê nguyên phần bắp bò vừa xắt vô nồi như trong hình và xắt đến đâu thì cho vào rim liền cho đở công chờ đợi)
* có thể nếm để thêm đường muối cho hợp khẩu vị khi thấy nước rim thịt rút bớt phân nửa.
* để thịt có thể thấm đều thì hồi mới học làm còn siêng năng nên khi nước rim thịt cạn còn 1/3 thì múc nước dang rim ấy rưới lên phần thịt không còn ngập nước, khi thấy nước sền sệt thì tắt lửa.
sau này làm biếng thì khi nước cạn còn khoảng 1/3 thi đem úp cái dĩa lên miệng nồi và nhanh tay úp ngược nồi sao cho phần thịt nằm trên dĩa, lúc này thì phần trên của thịt tiếp xúc với dĩa -> khéo léo lùa dĩa thịt trở lại nồi để tiếp tục rim cho đến khi cạn nước là tắt lửa.
hình chụp lúc úp thịt ra dĩa, phần trông thấy đó là phần tiếp xúc với đáy nồi. Tui diễn tả hơi khó hiểu..hic hong biết nói sao cho dể hiểu hơn...hic.. hic..
-Giai đoạn 3: XẤY THỊT khoảng 3 giờ (thời gian xấy tùy thuộc vào từng oven)

gắp từng lát thịt xếp trên giấy 'Non stick baking & Cookking paper' -> cho vào lò (oven) vặn chế độ quạt và lửa 100 -> khi thấy thịt hơi có vẻ khô mặt thì trở để xấy khô mặt còn lại.
(nếu chờ thật khô mới trở thì sẽ có trường hợp bị dính vào giấy làm mất thời gian khi trở bề)
*nếu thich cay thi rắc một lớp ớt khô trên giấy trước khi xếp thịt lên và rắc luôn lên bề mặt của thịt lúc thịt chưa ráo mặt (nếu để thịt khô mặt thì ớt sẽ không dính vào thịt, rắc ớt thời điểm này thì lát khô bò trông hấp dẫn hơn là chỉ cho ớt lúc nấu và rim)
Nếu thích thịt còn dẽo thi không cần chờ thiệt khô, nhưng bảo quản không được lâu.

chờ thịt thiệt nguội mới xếp vô keo đậy kín cất ăn dần trong 1 tuần. 
Khô bò hấp dẫn y như khô bò mua nên chưa bao giờ được cất quá 3 ngày.. hì .. hì..




Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

Vài kinh nghiệm NẤU XÔI

CÁCH NẤU XÔI theo KIỂU VIỆT
Lí thuyết
- nếp phải trộn dầu hoặc ngâm nước cốt dừa
- nếp phải được chần nước sôi trước khi hấp (hoặc nấu Microwave cho tươm nhựa - chỉ vừa tươm nhựa)
- phải xới trong khi hấp (khoảng 3 lần cho 1 đợt hấp - 250g hấp khoảng 30 phút)
- xôi toàn nếp thì số lượng muối dùng ít hơn là xôi với đậu
- xôi với đậu hộp hoặc đậu đã nấu chín thì thời gian hấp ít hơn là hấp với đậu chín bá đáp hay đậu sống (hạt nếp trong là nếp đã chín, nếu hấp lâu thì nếp sẽ bị nhủn làm xôi bị nhảo)
Để xôi không bị cứng khi nguội:
- nếp phải chần nước sôi trước khi hấp (nấu nước sôi, thả nếp vô trộn đều và trút ra rổ cho ráo nước trước khi để vô chỏ hấp)
cũng có thể dùng microwave để làm nóng cho nếp ra nhựa (ngâm nếp > chắt bỏ nước > cho vào microwave khoảng 3-5 phút > xới đều trước khi bỏ vô xửng hấp)
- nước trong chỏ hấp phải sôi mới cho nếp vào hấp
Để xôi có vị thơm của nước cốt dừa
- ngâm nếp với nước cốt dừa > cho vào microwave nấu trong vài phút cho nếp ra nhựa (trước khi nấu nhớ bỏ bớt nước nếu như thấy dư nước quá nhiều) >> hấp xôi (nếu nồi hấp nhỏ mà số nếp nhiều thì chia số nếp ra nhiều lần hấp và chỉ nấu microwave đủ số lượng cần hấp)
- cũng có thể dùng cách rưới thêm nước cốt dừa trong thời gian hấp xôi (tranh thủ rưới khoảng 1- 2 muỗng canh cho mỗi lần mở vun ra để xới xôi - khoảng 3 lần xới cho 1 đợt hấp)
Để xôi bóng mượt
- nếu không ngâm nếp với nước cốt dừa thì phải trộn thêm dầu sau khi nếp đã được chần nước sôi lúc chuẩn bị để vào chỏ hấp (khoảng 1 muỗng canh cho 2 - 3 cup nếp)
*nếu làm cho nếp ra nhựa bằng microwave thì cho dầu vào nếp trước khi nấu trong microwave.
Để nấu xôi có màu lá dứa hay lá cẩm
- nấu cho sôi nước nấu lá dứa hay lá cẩm rồi ngâm nếp cho đến khi thấy nguội thì nấu microwave trong 3 phút rồi mới hấp (phải nhớ trộn dầu trước khi nấu/ hấp cho xôi mướt)
- nếu dùng màu thực phẩm thì ngâm nếp với màu trước, sau đó đun nước sôi thả nếp vô trộn đều và trút ra rổ > trộn dầu >> cho vô xửng hấp.
Để nấu xôi với đậu
- có thể dùng đậu hộp đã nấu sẵn (1 hộp đậu 400g nấu với khoảng  2 - 3 cup nếp)
* nếu muốn nếp ít bị lam màu của đậu và né bớt chất bảo quản thì nên rửa sơ qua đậu để bỏ bớt nước bảo quản trong hộp đậu và không dùng nước trong hộp đậu.
* nếu muốn nếp có màu của đậu thì lấy nước trong hộp đậu cho thêm nước vào để nấu sôi mà chần nếp trước khi hấp.
* phải chú ý xem ghi chú trong hộp đậu có muối hay không, nếu có muối thì không trộn muối, nếu không thì phải trộn muối cho xôi có tí đậm đà
- nếu dùng đậu khô
* nấu đậu chín thì ít tốn thời gian hấp hơn là để đậu sống và xôi ít bị nhảo
* nấu đậu sôi vớt bọt, đậy nắp để lửa riu riu khoảng 15 phút > cho nếp vào > trộn đều > trút ra rổ cho ráo nước > trộn dầu >> cho vô chỏ hấp (nếu muốn thơm mùi nước cốt dừa thì rưới nước cốt dừa mỗi khi xới)
NẤU XÔI KIỂU THÁI z 
Lí thuyết:
- phải vo nếp cho đến khi thấy nước không còn trắng đục
- bắt buộc phải ngâm nếp trước khi hấp (2 giờ với nước nóng hoặc 6 giờ với nước lạnh)
Cách xôi:
- trút nếp ra rổ > để cho ráo > cho vào chỏ hấp lúc nước đã sôi
- trong thời gian hấp có thể rưới 1 cup nước sôi trên nếp vài lần (điều này để nếp mau chín - và không làm cũng không sao)
- hấp nếp với số lượng vừa phải thì tốt nhất (thời gian hấp tối thiểu khoảng 20 phút)
* nếu hấp bằng nồi cơm điện: cho nếp đã ngâm và đã làm cho ráo nước vào rổ để hấp của nồi cơm điện   (phải lót lớp vải thưa để giử nếp) > nấu trong vòng 35- 45 phút (nhớ cho mực nước ở dưới thấp hơn rổ hấp một chút)
VÀI KIỂU DỤNG CỤ CÓ THỂ HẤP XÔI
- Nồi cơm điện (thời gian nấu / hấp khoảng 35- 45 phút cho khoảng 2-3 cup gạo
- Microwave/ lò vi sóng: Nấu "xôi" bằng microwavethời gian nấu cho 3 cup nếp khoảng 12 phút
- Chỏ xôi 
- Dụng cụ hấp xôi của người Lào
- Có thể dùng  vĩ lưới (loại dùng để trên chảo khi chiên giúp đồ chiên rơi bớt dầu mở) đặt lên nồi > trải nếp lên >> dùng tô úp lên thay thế cho nắp nồi.
Nhân bạn cho xôi cúc... tranh thủ học tốc hành
 (vì giờ đứa này tan là đứa kia bắt đầu.. đứa về thì đủng đỉnh được chứ đứa vô thì trể là "đi uống trà")
 Ngẫm nghĩ biết sơ sơ cách làm xôi cúc rồi thấy không khó.
Sẵn có cải cúc (cải tần ô) nên bắt trớn học làm xôi cúc.
Nào là chụp hình... nào là là..khoái chí tự phán... xôi cúc dể làm vậy mà cứ mua mà ăn.. hic.
Thấy mẻ xôi lượt đầu mướt mượt hạt nếp dẽo ngon.... 
..tưởng đâu thành công... hí hửng mừng... vẽ vời nào là mời bạn.. nào là gõ blog...
.. nào dè, khi mẻ xôi thứ nhì vớt ra thì viên xôi đợt đầu tưởng chừng ném trâu cũng u đầu...hu.. hu.
Kể cho 'bạn bánh' cái bệnh của xôi cúc bị cứng khi nguội thì mỗi bạn chỉ cho một chiêu hấp xôi... gom góp ghi lại đây cho nhớ và cho ai lơ tơ mơ như tui biết thêm.x



Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2012

Móc những bông hoa (2) - HOA HỒNG


Lúc chưa học thì thấy móc hoa hồng sao thấy khó nên không mặn mà theo học. 
Nay thực hành thấy không khó và vui nhất là đã móc hoa hồng theo 3 kiểu.
Cơ bản giống nhau là móc thành 1 dãy dài và sau đó vấn theo vòng tròn...
... nhưng khác chút xíu về cách sử dụng và bố trí các mũi móc... và độ hao chỉ... hao công... hì hì..

hình bên trái là cách 1, bên phải là cách 2
kí hiệu được dùng
~ : mũi nối vòng (slip stitch) dùng để di chuyển mối chỉ sang vị trí khác.
: mũi xích hay còn gọi là mũi bính. (chain - c)
: mũi móc đơn (single crochet - sc)
t : mũi nửa mũi móc kép (half double crochet)
T : mũi móc kép (double crochet)
T*: mũi móc kép 2, 3 hoặc 4
CÁCH 1
Có đế hoa, có thể áp dụng khi làm hoa cắm bình
Thực hiện: cho hoa có 9 cánh. Số cánh hoa càng nhiều thì hoa sẽ lớn nhưng dường như tối thiểu phải là 9 cánh.
hàng 1: 61 mũi xích (sẽ được 10 cánh hoa) số mũi xích này chỉ là gợi ý.
* nếu thiếu số cánh thì cứ tiếp tục móc cho xong số cánh hoa đang có > móc thêm mũi xích cho đủ số lượng cần dùng rồi tiếp tục móc cánh hoa (cánh lớn cuối cùng là móc thêm cho đủ số cánh cần có) và nếu dư thì xem hình ở cách 2
hàng 2: Xem như móc đế hoa
móc o và T với khoảng cách từ 10 mũi xích đến 5 mũi xích (mỗi khoảng cách tương ứng với 1 cánh hoa)
Tiến hành móc khoảng cách rộng cho cánh hoa lớn nhất và giảm dần cho những cánh hoa nhỏ ở tâm của hoa, móc như sau:
 móc T ở chân xích thứ 12 đếm từ mũi móc cuối cùng 
> móc 9o --> móc T vào chân xích thứ 8 
>> móc 8o -->> móc T vào chân xích thứ 7 (móc 2 lần - coi như có 2 cánh bằng kích thước)
>>>  móc 7o -->>> móc T vào chân xích thứ 6 (móc 2 lần)
>>>> móc 6o  -->  móc T vào chân xích thứ 5 (móc 2 lần)
>>>>> móc 5o -->  móc T vào chân xích cuối cùng
hàng 3: móc cánh hoa
> cánh hoa  10 mũi gồm 2o, t , T, ...T*, T, t,  2o. ~ coi như ~ để hướng sợi len chuyến sang cánh hoa khác
>> cách cánh hoa khác móc tương tự như trên nhưng tổng số mũi giảm tương ứng với số mũi xích móc ở hàng 2
Độ cao thấp của cánh hoa tùy ý (có thể móc độ cao của mỗi cánh và trong mỗi cánh khác nhau để tạo các cánh hoa khác nhau)
hàng 4: móc để tạo hình cho cánh hoa:
móc x lên trên các mũi của hàng 2, cũng có thể kết hợp móc 2x vào cùng 1 chỗ để tạo hình dạng cánh hoa có vẻ khác nhau--> cắt chỉ nhớ chừa 1 khoảng dài 30cm để xỏ kim kết ổn định cánh hoa.
Sở dĩ móc cánh hoa nhỏ nhất sau cùng là vì lợi dụng sợi chỉ để kết dính cánh hoa (hà tiện công cắt chỉ dấu mối chỉ.)
công đoạn cuối: tạo dáng cho hoa:
xếp gập đôi cánh hoa nhỏ nhất --> cuộn tròn cuộn tới đâu thì xiên kim tới đó --> sau khi tạo dáng ổn định cho hoa xong thì kết lại....xem như đã xong phần hoa.
khi cuộn tròn thì có lẽ cho đế của cánh hoa nhỏ nhất ló ra tí xíu để cánh hoa thấp để có vẻ giống hoa thật.
 Nếu muốn làm cành hoa thì móc cành, móc   lá và đế hoa... khâu hoa vào đế vào cành ...

CÁCH 2 (xem bông màu đậm)
hàng 1: 40 mũi xích (tối thiểu phải có 12 cánh hoa) số mũi xích chỉ là gợi ý, nếu lở dư số mũi xích thì không móc và khi kết thành hoa sẽ kết để giấu ở đế hoa. 
* nếu dư ở tâm (xem hình bên trái) : gấp đôi số mũi xích dư tương ứng với độ cao của cánh hoa và dùng mũi ~ để kết dính trước khi  cắt chỉ ( - bông hoa trở nên mềm mại hơn vì mũi xích dư trông giống như cánh hoa nhỏ nhất ) và nếu còn dư nữa cũng không sao vì sẽ dấu mối dư khi khâu kết thúc.
hàng 2: Xem như móc đế hoa - móc cánh hoa lớn trước để khi kết thúc cắt chỉ ở cánh hoa nhỏ, mối chỉ này sẽ dùng để khâu kết cho công đoạn cuối cùng.
- Đối với các cánh hoa nhỏ: móc ToT vào cùng 1 mũi xích, khoảng cách giữa hai ToT là 2 mũi xích 
- Đối với các cánh hoa to: móc T ooo T và mỗi T cách nhau 2 hoặc 3 mũi xích (tùy theo muốn cánh hoa to nhỏ mà móc các mũi xích nối 2 T lại với nhau

hàng 3: móc cánh hoa -  mỗi cánh hoa được móc hoặc 5, 6, 7 mũi T vào khe ToT. 
- cánh đầu tiên: o, T...T,o ~
- các cánh tiếp theo: ~ , 2o,  T.. T, 2o, ~
- đối với vài cánh hoa lớn thì móc: ~ , 3o, T, *T, T, 3o
Để cho cánh hoa có dạng như lõm tí xíu ở giữa thì móc các mũi ở giữa ngắn hơn các mũi phía ngoài.
công đoạn cuối: tạo dáng cho hoa:
Cuộn tròn và dùng kim xiên xuyên qua tâm của đế hoa để khâu dính các cánh hoa lại với nhau (Đặt cánh hoa nhỏ lên 1 vị trí cố đinh > Một tay giử cánh hoa nhỏ cho không xê dịch, tay kia xoay các cánh hoa còn lại vòng theo như trong hình, xiên kim để may cho ổn định các cánh hoa).
CÁCH 3 không có đế hoa và hoa có các cánh hoa khác màu
hàng 1: móc  45 mũi xích ( 11 cánh hoa)
hàng 2: móc  5T vào cùng 1 chân xích và mỗi 5 T cách nhau 2 mũi xích
 nếu muốn có vài cánh hoa to thì móc 6 hoặc 7 hoặc 8 T và các mũi móc này sẽ chia đều trên 2 hoặc 3 mũi xích
mỗi cánh hoa móc như nhau
- cánh đầu tiên (2o, T.. T, 2o, ~) 
- các cánh tiếp theo ( ~, 2o, T.. T, 2o ~)
- ba cánh ở vòng ngoài cùng ( ~ , 3o , *T..., T,  *T , 3o , ~ )
Công đoạn cuối: như trên.
* Thật ra cũng có thể móc các cánh hoa bằng số mũi (ví dụ là 5mũi móc kép), nhưng vì để tránh sự đơn điệu thì có lẽ nên móc các cánh hoa to nhỏ và chênh lệch độ cao (các cánh hoa ở tâm thì móc các  mũi T ngắn hơn các cánh hoa khác, các mũi móc kép 2, 3 hoặc 4 làm cho độ cao của các cánh hoa ở các lớp ngoài tăng dần.)
Để bông hoa có một số cánh hoa mang màu sắc khác nhau:
Tuỳ ý sắp xếp màu và số cánh hoa.Có thể móc :
móc 3 cánh màu A, nối chỉ trước khi tiến hành mũi ~ kết thúc cánh hoa thứ 3 và tiếp tục móc thêm 4 cánh hoa với màu B và nhớ kèm sợi chỉ của màu A khi móc để dấu mối chỉ hoặc để dành chuyển sợi chỉ đến lượt móc các cánh khác mà khỏi cần nối chỉ hay cắt chỉ)
*Để cánh hoa không bị co cuộn lại khi giặt, có lẽ nên dùng mũi bàn ủi âm ấm miết lên phần phía trong của cánh hoa, để sợi len được ép thành nếp cố định (chỉ miết phần bên trong cánh hoa chứ không ủi toàn cánh hoa, vì nếu ủi vòng rìa của cánh hoa thì cánh hoa sẽ mất đi nét úp úp cần có của hoa hồng)

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...