Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

Móc áo tay raglan có bâu

ÁO CHO BÉ TRAI HOẶC BÉ GÁI khoảng 15 tháng
áo hơi dài nhưng giúp ấm nhiều hơn
nếu không móc ren ở lai áo thì sẽ thành áo bé trai
Bắt đầu từ bâu áo
(khi chụp hình khác độ sáng, màu sắc của áo khác nhau quá xa)
mẫu áo này tiện lợi là chỉ khâu có đường ống tay nhưng đòi hỏi độ chính xác của vòng cổ.
Bổ sung: nếu vòng cổ bị rộng thì không sao, dùng sợi dây thun tròn luồn vào chân của bâu áo thì cổ áo sẽ chun lại theo ý muốn mà không làm giảm đẹp của bâu áo.
Mẫu áo có thể gia giảm vòng cổ thì bắt đầu móc ở lai áo đi lên, mẫu này thì phải ráp vòng tay và vòng nách - sẽ post tiếp (đã post ở đây:  Móc áo bé gái tay raglan, xem hình bé mặc áo này ở cuối bài)
Kí hiệu móc (kí hiệu chỉ dùng riêng cho blog )
o: mũi xích/ chain
x: mũi móc đơn/single crochet
q: mũi móc đơn cao chân ( mũi này mới học chưa biết gọi tên tiếng Anh là gì nên tạm gọi như vậy)
T: mũi móc kép/ double crochet
V2: 2 mũi móc kép móc vào cùng 1 chân (con sò 2)
V3: 3 mũi móc kép móc vào cùng 1 chân (con sò 3)
V2+V2: móc 2 mũi móc kép vào cùng 1 chân, 1 mũi xích, 2 mũi móc kép vào cùng chân đó (con sò 2 hở)
V2++V2:  móc 2 mũi móc kép vào cùng 1 chân, 2 mũi xích, 2 mũi móc kép vào cùng chân đó (con sò 2 hở)
w: móc lưới đơn ( mũi này mới học, chưa biết tên nên tạm gọi như vậy)
Vật liệu:
VẬT LIỆU:
- 200gr len 8ply hiệu Craftworks 100% Acrylic của China 
với tension: 10cm x 10cm = 21 mũi, đan 29 hàng
Len Acrylic độ ấm không cao nếu cần mặc cho ấm thì dùng len có pha wool
- kim móc 4mm
- 4 nút áo đường kính khoảng 2cm sao cho vừa với khe của hàng móc kép để khỏi móc khuy nút
SỐ ĐO:
- dài áo:42cm
- ngang ngực: 34cm
- hạ nách: đo thẳng=13cm , đo dọc theo đường xéo=19cm
- dài tay: đo từ chân cổ áo ra cổ tay=35cm , đo từ giữa thân sau ra cổ tay=42cm
- cổ tay: nữa cổ tay=8cm ( mũi lên xuống làm số đo tuy nhỏ nhưng co giản trở lại số đo thật)
- vòng cổ: 41cm  (- ngang cổ: 18cm  - hạ cổ: 4cm)
- bâu áo: ngang=38cm, rộng=8cm
THỰC HIỆN
BÂU ÁO
Móc 35 hàng, mỗi hàng 14T
muốn cổ rộng hơn thì phải tăng 2 hàng để mối chỉ trở lại đúng vị trí cần móc. Nếu tăng 1 hàng thì phải dùng mũi slip stitch để dẫn mối chỉ
gầy 22 mũi xích (13 mũi làm bâu, 7 mũi làm nẹp áo cho thân trước, 3 mũi để bắt đầu, - hình 1 có đoạn mũi xích móc dư, đừng chú ý đến, chúng sẽ được tháo bỏ
*mẹo: cách khắc phục mũi xích dư: khi bắt đầu gầy mũi đầu tiên thì không kéo chỉ sát, vẫn còn giữ vòng tròn (xem số 2 hình A) để nếu bị dư mũi thì sẽ tháo bỏ bằng cách gở từ từ đầu sợi chỉ ra khỏi vòng
- hàng 1=14T: móc 13T (mũi T đầu tiên móc vào mũi xích thứ 3, 3 mũi xích đó kể như là 1 mũi móc kép. 
- hàng 2=14T: móc mũi móc kép (T) vào khe của các mũi T của hàng 1. Riêng mũi cuối cùng thì móc vào mũi xích sát cạnh mũi T cuối cùng (đếm thấy đủ 14 là không sai, nếu không đủ thì xem lại ở điểm bắt đầu và điểm cuối cùng)
*mẹo: cách móc mũi đầu dòng cho mỗi hàng móc mũi T: thay vì móc 3 mũi xích thì cách này móc 1 mũi móc đơn vào ngay chân đầu tiên rồi mới móc tiếp 2 mũi xích.
- hàng 3 đến hàng 35 móc như hàng thứ 2
VÒNG CỔ ÁO
móc 4 hàng
hình A
- hàng 1= 77x :Khi móc xong 35 hàng thì KHÔNG  cắt chỉ, giữ mối chỉ đó để móc tiếp phần vòng cổ áo. Vòng cổ áo sẽ được móc dài theo bìa của 35 hàng vừa móc. Hình 1 cho thấy phần có dây ở phía góc phải của hình là hàng đầu tiên lúc khởi đầu. Còn phần ở bìa trái là hàng thứ 35. và đã móc xong hàng 1, đang móc được một phần của hàng 2 Cách móc HÀNG 1:Từ hàng thứ 35 sẽ bắt đầu móc mũi móc đơn trở ngược về nơi xuất phát, khi móc dứt 35 hàng đó sẽ được 70 mũi móc đơn, MÓC TIẾP 7 mũi móc đơn trên phần mũi xích chừa sẵn. Như vậy hàng 1 sẽ có tất cả là 77 mũi móc đơn ( phần mũi xích thừa trong hình chụp thì sau này sẽ tháo bỏ, nếu bạn đếm mũi chính xác thì sẽ không bị thừa)HÀNG 2: móc 1 mũi xích (đây là mũi đầu dòng để giúp cho thẳng hàng móc), móc mũi móc đơn đầu tiên vào ngay chân của mũi xích vừa móc, kế đó móc tiếp móc mũi móc đơn cho đến hết hàng 2. Trước khi móc hàng 3 thì phân chia thân áo và tay: (cột chỉ để làm dấu cho dễ thấy khi móc khỏi phải đếm)HÀNG 3 : móc1o,  1x vào ngay chân của 1o vừa móc, móc tiếp 3o  (nhày bỏ 3 chân, coi như 3 mũi xích đã thay thế cho 3 mũi không móc để tạo khe trống sau này làm khuy nút, do đó số mũi o sẽ tùy thuộc vào đường kính của nút áo, nếu khuy nút nhỏ thì móc 2o và nhảy bỏ 2 chân), Sau đó móc tiếp mũi móc đơn cho đến hết hàng 3.Hàng 4: móc phân chia thân áo tay áoNHìn hình 3 sẽ thấynẹp = 7x, thân trước phía trái = 14, tay = 11, thân sau 20, tay = 11, thân trước phía phải = 14 (nên đánh dấu cho dể thấy)Cách móc hàng 4:> vẫn móc mũi móc đơn nhưng đến 4 vị trí cột chỉ đánh dấu thì phải móc 3 mũi móc kép (con sò 3= 3V)Đến hàng thứ 5 thì móc mũi móc kép trên đầu các chân cũ, mỗi mũi xích coi như 1 chân. Từ đây bắt đầu vào thân áo. (hình A3).


*mẹo: con sò 3 (V3) giúp cho vòng cổ bớt gắt-coi như giúp tạo đường cong nơi góc vuông.
THÂN ÁO VÀ TAY
móc 10 hàng
nếu không móc ren thì móc mũiT,  đến con sò 3 thì móc V2+V2 vào trung điểm của con sò 3
như vậy đến hàng thứ 10 thì có khoảng 110T 
nếu móc ren thì bắt đầu ờ hàng chọn làm bề trái (hàng lẽ)
- nẹp = 7 mũi
- thân trước = 24 -24
- thân sau  = 48
- tay ở nách áo= 36 -36, cổ tay khoảng 32
*mẹo: giúp tay rộng thêm ra thêm 1 mũi: đến hàng thứ 3 thì móc 1 con sò 2 vào trung điểm của tay áo (mũi thứ 7 của tay sẽ móc 1V2)
giúp tay áo rộng ra thêm 2 mũi thì móc V2 vào hàng 3 và hàng 5 .
Theo mẫu áo này thì móc ren ở hàng 5. Mỗi ren cần 3 chân (coi như nhảy bỏ 2 chân)
*mẹo: -đối với thân áo: phải chừa 2 mũi cho đầu nẹp áo, -đối với tay thì nếu dư 1 chân thì vẫn cứ móc ren cuối cùng bình thường (vì đó là ở góc tay nên việc thiếu 1 đó sẽ không thấy). Nói chung khi móc đến góc tay thì việc thiếu 1 vẫn móc bình thường như các ren khác.
MÓC REN ở hàng có số lẽ (bề trái)
hìnhB

theo mẫu áo này móc ren ở hàng 5 và hàng 7
hàng 5 
.2x (để giử nẹp), ở mũi x thứ nhì coi như nơi bắt đầu móc ren.
hình chụp lúc móc ren ở góc nhưng ở đâu cũng có bắt đầu như nhau là:
>kéo sợi chỉ trên kim móc cao 1 khoảng bằng với chiều cao của 1 mũi móc kép (lúc này trên kim móc  có 1 vòng chỉ, dưới kim móc có 2 sợi chỉ) số 1 hình B
>>quàng chỉ lên kim móc và rút kim móc như đang móc bình thường( lúc này trên kim móc vẫn có 1 vòng chỉ, dưới kim móc có 3 sợi chỉ)  số 2 hình B
>>>quàng chỉ lên kim móc, xỉa kim móc vào khe giữa sợi chỉ thử 3 vừa mới tạo được ( số 3 hình B) >kéo kim móc như móc bình thường (lúc này trên kim móc đã được 2 vòng chỉ)  số 4 hình B
nếu thấy không tạo được 2 vòng chỉ trên kim móc thì biết đã xiên kim móc sai vị trí, cần móc lại với cách xỉa kim móc ở khe khác.
>>>>quàng chỉ và móc bình thường như đang móc mũi móc đơn.  số 5, số 6 hình B
..1x vào chân thứ 3(coi như nhảy bỏ 2 chân), vị trí này coi như bắt đầu cho ren kế tiếp 
tiếp tục móc cho tới hết thân áo và móc mũi x cho nẹp áo.  số 7 hình B
mỗi ren có hình dạng 1x 1 gút và 1 vòng,
hình C

hàng 6 (nếu móc nhiều dãy ren thì những hàng có số chẵn thì móc mũi T như bình thường): móc mũi T theo vị trí ghi chú trong hình C (mỗi ren chiếm 3 mũi móc do đó mỗi ren phải trả lại 3 mũi T )
MÓC TAY ÁO
hình D

móc 10 hàng, 2 hàng ren có kèm theo 2 hàng T, 2 hàng mũi lên xuống
(xem hình thì dể hình dung, phần ghi chữ để đề phòng khi không xem được hình)

để giúp cổ áo của thân trước hạ thấp hơn cổ áo của thân sau thì phải móc thêm nửa hàng. Xem hình D.
Nối chỉ ở khoảng giữa của tay:
> móc 1 mũi slip stitch
>> móc 3 mũi x
>>> móc mũi T , khi móc nhớ điều chỉnh độ cao cho độ cao tăng dần để cho chiều cao từ mũi móc đơn sang mũi móc kép tăng dần như đường kẻ vạch 1 góc chéo
Cách giảm tay áo:  
>tìm số dư cần giảm: lấy tổng số mũi trừ cho số mũi của cổ tay sẽ ra số dư cần giảm (cổ tay áo cần 30 hoặc 32 mũi,) ví dụ: 
>>giảm tay ở hàng 5, 7,9 giảm bằng cách không móc mũi cuối cùng ( như vậy mỗi hàng chỉ giảm 1 mũi)
CÁCH MÓC MŨI LÊN MŨI XUỐNG bằng mũi móc kép (T) hoặc mũi móc đơn
Vẫn móc mũi móc kép  hoặc mũi móc đơn như bình thường nhưng khác ở chỗ xiên kim móc
hình E
- mũi lên: Xiên kim móc để sao cho trọn vẹn mũi móc kép của hàng cũ nằm trên kim móc (xem đường vẽ màu xanh hình E), rồi tiến hành móc như móc mũi móc kép  hoặc mũi móc đơn bình thường
- mũi xuống: Xiên kim móc ở mặt dưới sao cho kim móc nhìn như che khuất mũi móc của hàng cũ (xem đường vẽ màu đỏ hình E), tiến hành móc mũi móc kép hoặc mũi móc đơn như bình thường.
Chờ móc xong thân áo mới khâu ống tay áo. Khi khâu ống tay áo nên khâu bằng bề mặt để dễ dàng đâu sóng của 2 hai bên trên cùng 1hàng móc.
MÓC THÂN ÁO
10 hàng mũi T,  4 hàng ren, 3 hàng mũi lên xuống
Móc thân trước thân sau, tay thành 1 hàng dài
-bắt đầu là 10 hàng mũi T
móc đến hàng số 4, 6 và hàng số 8 thì thêm mũi ở 2 đường hông của áo bằng cách móc 2 mũi móc kép vào cùng 1 chân
- móc ren ở hàng số 11, 13, 15, 18 (có tất cả là 4 hàng ren)
- hàng số 12,14,16,18 móc mũi T
- hàng số 19, 20, 21 móc mũi lên xuống


MÓC NẸP ÁO
kim móc đang ở phía thân bên phải.
1>móc mũi móc đơn dọc theo nẹp áo lên đến cổ
2>móc mũi móc đơn trở về lai áo . Cắt chỉ.
phía thân trái
- tháo mũi móc xích móc dư và nối chỉ để móc tiếp.
1> móc mũi móc đơn dọc theo nẹp áo cho đến lai áo
2> tiếp tục móc hàng mũi lên xuống thứ 4 ở lai áo
3> móc mũi slip stitch dọc theo nẹp áo bên phải và cắt chỉ ở cổ áo.
HOÀN THÀNH ÁO
-Khâu ống tay áo: khâu phía bề mặt để dể dàng kết dính 2 đầu của cùng hàng móc, tránh hiện tượng so le
-Khâu nút: khâu 4 nút. Xếp thân áo bên phải chồng lên thân áo bên trái với điểm ở cổ giúp cho 2 góc của bâu áo sát nhau và điểm ở lai áo chỉ chồng lên nhau 1.5cm ( như vậy đường nối dài từ cổ xuống lai áo sẽ là đường khâu nút, nó sẽ là đường xéo chứ không song song với biên nẹp áo). Chọn vị trí sao cho nút ngang với khe có thể cài nút (do lợi dụng khe hở của 2 mũi móc để làm khuy nút).
Ghi thêm: định móc 2 thẻ dài khoảng 15cm rộng 2cm để gắn ở hông eo của áo để cho thân áo hẹp lại ở phần eo để tạo kiểu áo măng tô như hình chụp nhưng hết chỉ nên khâu tạm, khi bé lớn hơn tí thì áo sẽ ngắn, lúc đó sẽ là áo ngắn... hì hì.. hà tiện là vốn..chắc là tật luôn rồi. hì.. hì..
Mới xin anh xã chở đi mua len. Đang nghĩ sẽ đan với chỉ 12ply cho nhanh và mặc ấm hơn... nhưng hà tiện lại mua len Acrylic (vì nơi này không phong phú chủng loại len)
*vì móc xong mới ghi chú nên con số chỉ tương đối. Vì tự móc, tự liệu  và chỉ mới móc 1 lần nên chưa có kinh nghiệm, có lẽ sẽ điều chỉnh thêm ở kiểu móc khác đang nghĩ trong đầu nhưng chưa có thời gian thực hiện.
Sẽ khoe tiếp MÓC ÁO BÉ GÁI TAY RAGLAN

<----
(áo này móc trước, móc xong mới nghĩ ra áo mócbắt đầu từ bâu áo, nhưng post bài mất nhiều thời gian quá nên bài còn dở dang chưa xong thành ra áo móc sau lại post trước...
BỔ SUNG:
5/7/13: vừa chụp được hình của bé, thấy áo cũng không phải sửa chữa gì nên vui lắm.. nên rán gõ cho xong bài Móc áo bé gái tay raglan như đã hứa.
Áo này rộng, dài... nhưng mặc ở nhà cho bé rất tiện vì nó che ấm nhiều hơn, và nhờ rộng rãi nên khi bé ngồi thì áo giúp che kín chân của bé.

Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

Phân bón. Phân NPK


Nguồn dinh dưỡng cho cây trồng có sẵn trong môi trường (oxy, hydro và carbon).
 Nhưng để phát triển tốt, cây trồng cần những chất dinh dưỡng khác hơn.
Phân bón là nguồn cung cấp thêm chất dinh dưỡng.
Sự lựa chọn phân bón luôn là sự lúng túng cho nhà vườn tài tử. Tìm đọc kinh nghiệm từ internet thì vấp phải sự khác nhau về tên gọi. Để tránh sự lúng túng đó có lẽ nên tìm hiểu qua về khái niệm phân bón.
CÁC LOẠI PHÂN BÓN
Hiện nay thị trường phân bón cung cấp 2 loại: chất lỏng và dạng hạt.
-phân bón dạng lỏng: giúp cây trồng hấp thụ dinh dưỡng nhanh chóng và mỗi 2 tuần phải cung cấp bằng cách pha với nước tưới lên cây trồng. 
đây là vài dạng phân lỏng

cho cây trưởng thành và cho cây đang phát triển, cây con

-phân bón dạng hạt khô được sản suất theo 2 dạng: loại chậm tan (slow-release fertilizer), nhanh tan (quick-release fertilizer).
Với loại phân dạng hạt thì dễ kiểm soát lượng phân được bón và phạm vi bón phân nhưng dễ bị ảnh hưởng bởi lượng mưa và nhiệt độ (mưa nhiều phân tan nhanh gây dư thừa và khi nắng nóng lên cũng có thể gây cháy rể, thời tiết nóng làm khô đất phân bón tập trung có thể đốt cháy rể cây.)
Với phân quick-release/phân nhanh tan thì hiệu quả khoảng 3-4 tuần và tùy thuộc vào lượng mưa và nhiệt độ
quick-release và slow-release
ĐỌC NHÃN PHÂN BÓN
Ba con số (thường gọi là NPK) trên gói/hộp/chai phân bón cho biết tỉ lệ các chất dinh dưỡng.
Khi đọc nhãn phân bón thì theo thứ tự NPK. số đầu tiên là N . số thứ nhì là P và số chót là K.
(trong hình dưới đây, bảng phân tích in đậm thành phần NPK, tập trung vào đó để quyết định loại phân chọn mua và chọn để bón cho cây trồng)
KHÁI NIỆM ĐƠN GIẢN VỀ PHÂN NPK 
NPK là gì?
Đó là tập hợp các con số ghi trong hộp, chai đựng phân bón.
Những con số này phản ánh tỉ lệ phần trăm trọng lượng chất dinh dưỡng.
Tất cả cây trồng đều cần chất dinh dưỡng từ NPK. Nhưng ở các giai đoạn phát triển khác nhau thì cây trồng cần tỉ lệ NPK khác nhau. Do đó khi sử dụng NPK để bón cho cây trồng cần phải chú ý đến các con số được ghi.
Ví dụ: bao bì ghi 10 2 6 có nghĩa là lượng N là 10, P là 2 và K là 6
Nói chung, khi đi mua phân bón NPK thì không cần chú ý lắm về nhà sản xuất hay tên gọi mà cần chú ý đến bản phân tích để biết rõ số tỉ lệ % cung cấp nguồn N, P, K để chọn mua nguồn phân bón thích hợp với cây trồng đang cần cung cấp nguồn dinh dưỡng (cây con, cây trưởng thành cần lượng NPK khác nhau)
In trên bao bì/ hộp chứa, con số đầu tiên chỉ số lượng Nitrogen/đạm
N là chữ viết tắt của Nitrogen/ Nitrate (ni tơ)/ đạm
Ni tơ thúc đẩy tăng trưởng. Cung cấp nhiều ni tơ, cây trồng sẽ tăng khả năng sản suất chất diệp lục nên phát triển nhanh chóng, phong phú LÁ, lá xanh. Nói chung Nitrogen làm tốt lá, lá xanh tốt.
Con số thứ nhì là Phosphorus/Phosphate/lân
P là chữ viết tắt của Phosphorus (phốt pho)/ lân
Phốt pho giúp phát triển bộ RỄ. Bộ rễ phát triển tốt sẽ giúp cây trồng hấp thụ nhiều chất dinh dưỡng nuôi cây, cây mạnh mẽ, chống bệnh tốt đồng thời giúp ra hoa tốt.
Con số thứ ba chỉ rõ lượng kali
K là chữ viết tắt của Potassium / Potash (kali)
Kali cần thiết cho cây trồng trong giai đoạn tăng trưởng mạnh. Nó giúp cây mạnh mẽ hơn lên để chống lại bệnh tật. Nó giúp cây trồng ít bị dễ tổn thương vì lạnh và giúp cây trồng khỏi bị mất độ ẩm quá mức trong những đợt khô, hỗ trợ chính cho việc ra hoa và đậu trái.



hoa và trái

-------

lá và thân

-----
hệ thống rễ
Nói chung, nắm rõ khái niệm về phân bón NPK là điều cần thiết nhưng không nên máy móc sử dụng khi trồng cây vì thực tế nguồn dinh dưỡng trong đất mỗi nơi mỗi khác, nhu cầu cung cấp lượng dinh dưỡng cho mỗi loại cây trồng cũng khác. Việc cung cấp phân bón đòi hỏi nhà vườn sự tinh tế trong nhận xét để tìm ra nhu cầu của cây trồng.
Sẽ ghi chép lại kinh nghiệm của nhiều nhà vườn trong bài khác.
click vào để xem bài liên quan: Phân bón -  Bón phân


Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013

Móc mền cho bé

Chiếc mền đa dụng 
(làm mền đắp ấm cho mùa đông, làm rèm che gió khi đẩy xe cho bé đi dạo, làm tấm thảm cho bé nằm chơi...)
Kích thước: 1m x 1m , tổng số hàng/vòng móc: 43 (40 hàng V3, 1 hàng x, 1 hàng t, 1 hàng ren)
700gr len 8ply loại soft (hiệu
kim móc 4mm
Kí hiệu móc
 ~ : mũi nối vòng/ slip stitch
 o : mũi xích / chain
 x : mũi móc đơn/ single crochet
 V2 : 2 mũi móc kép móc vào cùng 1 vị trí/điểm
 V3 : 3mũi móc kép (double crochet) móc vào cùng 1 điểm
 V3+ : 3 mũi móc kép được móc vào cùng 1 điểm và 1 mũi xích
 V6+ : 3 mũi móc kép, 1 mũi xích, 3 mũi móc kép được móc vào cùng 1 điểm (để tạo góc vuông)
 t : mũi móc kép thấp/ half double crochet
bổ sung ngày 20/3/2014, chỉ để tham khảo vì hình vẽ sẽ không khớp với phần chữ 
Khởi đầu: 3o~ để tạo thành vòng tròn (có thể dùng magic loop để tạo thành vòng tròn)
- vòng 1: 3o 2T , o , 3T , o , 3T , o , 3T , o , ~ 

- vòng 2: 3o 2T,  V6+ , V6+ , V6+ , V3+ , ~
- vòng 3 :  3oV2 , V3 , V6+ , V3 , V6+ , V3 , V6+ , V3 , V3+ , ~
 hễ đến V6+ của hàng cũ thì móc V6+ vào điểm giữa của V6+ đó (mỗi vòng chỉ có 4 lần móc V6+ để tạo 4 góc vuông)
- vòng 3 đến 40 cách thức tương tự như vòng thứ ba (ở mỗi vòng số lần V3 sẽ tăng dần, chỉ có 4 lần V6+)

chú ý: 
Nếu muốn có góc vuông rõ rệt thì ở mỗi góc vuông móc V6+ hoặc V6++
Nếu chỉ móc V6 thì góc vuông sẽ bầu bầu chứ không vuông
Khi thấy góc quá nhọn hoặc quá bầu thì hoặc không móc mũi xích giữa hoặc phải móc thêm mũi xích vào V6
Vòng 41: móc mũi móc đơn, đến góc vuông  nơi có mũi V6+ thì móc 2 mũi móc đơn
Vòng 42; móc mũi  móc kép thấp (half double crochet)
Vòng 43: móc ren. Mỗi chân ren cách nhau 2 mũi móc.  3o T x (nếu móc mền cho bé gái thì ren phồng hơn nhờ thay T bằng V2 hoặc V3 )

GHI NHẬN 
Vì lần đầu móc xen màu  mà không cắt chỉ ở mỗi vòng cho nên đường giáp mối tạo thành sẹo không đẹp.
Hình dưới đây chỉ rõ điểm bắt đầu của vòng móc để giáp mối trông tự nhiên hơn.
 MÓC XEN MÀU xanh trắng
nếu muốn viền biên màu xanh thì bắt đầu bằng màu xanh (như vậy tỉ lệ len màu xanh 5 trên tổng số 7 cuộn len.
bắt đầu vòng móc ở trung điểm của góc vuông (coi như khi bắt đầu chỉ móc một nửa của góc vuông , nữa phần còn lại nằm ở cuối vòng móc, chúng được nối với nhau bằng mũi slip stitch.)
- hình số 1: cột sợi chỉ trắng sau khi móc xong 4 lần V3+ của vòng móc đầu tiên.
- hình số 2: móc mũi slip stitch bằng len màu trắng > sau khi móc mũi slip stitch thì len trắng sẽ có trên kim móc. (cứ mỗi lần slip stitch là dùng chỉ màu khác với màu đang móc)
- hình số 3, bắt đầu sang vòng móc thứ nhì: móc 3 mũi xích bằng cả 2 màu len, nhưng khi móc các mũi kế tiếp thì chỉ dùng 1 màu len.
- hình số 4:  đã  móc V3+ vào vị trí bắt đầu của vòng thứ nhì, để sau khi nối vòng thì đây sẽ là V6+ (là 1 trong 4 góc vuông). Khi slip stitch dùng chỉ màu xanh, và dùng 2 màu chỉ để móc 3 mũi xích chuẩn bị cho vòng móc màu xanh, và chỉ dùng chỉ màu xanh để móc cho hết vòng
- hình số 5: là diễn tiến của các hàng móc kế tiếp
- lưu ý điểm xuất phát để giúp che bớt dấu nối màu. Cho dù móc cùng một màu chỉ thì dấu mối ở góc vuông thấy ổn hơn (xem hình chụp sẽ thấy cái khuyết điểm)
TÓM LẠI;
Nếu dấu mối ở góc vuông thì V3 đầu tiên sẽ là phân nữa của góc vuông đầu tiên 
Mỗi đầu vòng móc đều bắt đầu bằng 3 mũi xích. Lúc móc 3 mũi xích thì dùng cả 2 màu chỉ (3mũi xích đó có 2 màu xen lẫn nhau, phải chấp nhận có sự chen lẫn màu nếu không muốn nối chỉ, đó là cách dẫn mối chỉ lên vòng khác). Sau đó thì chỉ móc 1 màu chỉ cho các mũi kế tiếp). Mới thử một cách dẫn mối chỉ theo kiểu khác. Kiểu này thì ít thấy sự xen lẫn 2 màu chỉ hơn. (xem hình chiếc mền màu hồng vừa mới bổ sung) Sê post cách thức bằng hình vì nói rất khó diễn tả ... hì.. hì bây giờ chưa có hình, khoảng 4 ngày nữa mới rảnh)

bài kế tiếp sẽ viết về móc những chiếc nón cho bé trai

17/11/2013 Bổ sung:
Đang móc dở dang nên chưa có thời gian post bài " móc mền cho bé gái" để ghi lại một cách dẫn mối chỉ lên vòng móc kế tiếp mà không cần chập đôi 2 sợi chỉ để móc

Đây là cách Móc mền theo kiểu ráp nối

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...