Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

Móc áo choàng cho bé

Cô bé quàng khăn đỏ
Áo khoác này móc lâu lắm, từ hồi mới bắt đầu cầm kim móc.
 Lúc đó chưa có ý định gõ vô blog, nên không có ghi hình.
Hôm nay mới thấy bé mặc. Thật dễ thương, đúng với tên gọi "cô bé quàng khăn đỏ", nhưng nếu chỉ kết 1 bông hoa thì có lẽ bớt rườm rà hơn.
Đang nghĩ nếu chỉnh sửa tí xíu có lẽ bé mặc sẽ tiện hơn (móc có đường rảnh để xỏ tay ra khi cần, vì mẫu này che kín tay bé và hơi ôm với vai nên lúc bé muốn giở tay cao lên thì hơi bất tiện), . (sẽ viết tiếp phần này)
Và nếu móc màu trắng thì có lẽ xinh hơn và tiện dùng chung với các áo
Dưới đây ghi lại cách móc như hình này
Len 8ply kim móc 4mm
số đo: 
- dài thân sau =41cm, trước = 36cm = 23 hàng móc
- rộng= 36cm
- ngang cổ = 16cm
- hạ cổ = 5cm

Thực hiện 2 phần: Móc thân và đan bâu 
(đang nghĩ có thể móc bâu khỏi phải đan- 3/9/13-đã móc thử phần trái tim, xem ở cuối bài)

MÓC THÂN ÁO
Bắt đầu từ cổ
Xem hình vẽ

Gầy 145 mũi xích (o)
- chân đầu tiên móc  nửa góc, móc 3o nơi đánh dấu màu lá cây- chỗ này là chỗ đính cho sợi xích 145 mũi giáp lại với nhau tạo thành vòng tròn (click vào hình để xem cho rõ)
màu đỏ là nơi dùng mũi Slip stitch để nối vòng.

vòng móc thứ nhứt có tất cả là 30 chân, trong đó có 2 chân phải móc con sò 4 để tạo 2 góc lõm cho cổ áo. Như vậy, mỗi con sò cách  nhau 3 mũi xích.
   Vo - - - Vo  - - - Vo .......Vo - - - VoVo - - - Vo ...... Vo - - - Vo      ~
nửa góc     1           2 ......   14      nguyên góc    1          14     nửa góc    o

bổ sung ngày 23/5/14 cho bạn commentghi chú cho chữ nửa góc và nguyên góc:áo choàng có 2 góc lõm, để tạo góc lõm thứ nhứt thì phải móc con sò 4  kí hiệu là VoV- móc 4 mũi móc kép vào cùng 1 chân nhớ là sau khi móc 2 mũi  móc kép thì móc chen vào đó 1 mũi xích rồi mới tiếp tục móc 2 mũi móc képNGUYÊN GÓC: có nghĩa là móc VoVNỬA GÓC: có nghĩa là chỉ móc có 2 mũi móc kép rồi tiến hành móc tiếp tục cho đến hết vòng (như vậy góc lõm còn lại chỉ mới móc có phân nữa, chưa đủ VoVo cho nên khi kết thúc vòng móc phải móc thêm 2 mũi móc kép (Vo) vào ngay chân của 2 mũi móc kép ở đầu hàng và 1 mũi xích (o) để cho đủ số VoVo của góc lõm thứ nhì ở cổ.Bạn xem hình móc màu xanh blue bên dưới ở ô hình số 5 thì bạn sẽ thấy điểm bắt đầu chỉ có con sò 3 (nơi đó được gọi là NỬA GÓC), còn ở chỗ cây móc là con sò 6 (VoV - nơi đó được gọi là NGUYÊN GÓC vì đã móc đủ số VoV để tạo góc)
dùng mũi slip stitch để nối nửa góc vừa móc vào nửa góc đầu tiên là kết thúc vòng móc thứ nhứt.
Bắt đầu vòng mới thì bao giờ cũng phải móc 3 mũi xích để thay thế cho 1 mũi móc kép


*có thể bắt đầu móc vòng thứ nhất ở bất kì vị trí nào  cũng được (xem hình vẽ, nơi có vẽ mũi o thay thế cho mũi T)

Nhưng bắt đầu móc ở điểm tạo cổ chữ V thì đường giáp mối sẽ tự nhiên hơn

<---(đây là rút kinh nghiệm lúc móc mền ở đây, chứ lúc móc thì không biết điều này)


Vì muốn dầy cho ấm nên đã móc hàng thứ 3,6,9, 12,15, 18, 21 là con sò 3 chứ không phải là ToT như mẫu vẽ.
MÓC VÒNG CỔ
- Nếu muốn luồn dây để cột thì móc theo mẫu vẽ. Nhưng đối với bé dưới 2 tuổi thì có lẽ nên tránh cột dây vì sợ bé vô ý kéo xiết dây làm xiết cổ bé, nguy hiểm.
Trong hình vẽ, vạch đen ở cổ là sợi dây để luồn vào.

- Nếu muốn làm bâu cho ấm cổ thì phải:
1/ móc thêm ở thân sau một mảnh hình tam giác vừa với phần lõm của cổ áo, khâu vào thân sau.
2/ móc trên vòng cổ 1 hàng mũi móc đơn. để giúp thu hẹp vòng cổ.
Do mẫu móc dùng ribbon để cột nên vòng cổ khá rộng, cho nên khi móc hàng móc dơn thì phải thu bớt độ rộng sao cho vòng cổ vừa với vòng đẩu của bé hay rộng hơn tí xíu trừ hao khi bé lớn còn mặc được.
(- vòng cổ áo = số đo vòng đầu + khoảng 5cm
> lấy tổng số đo của áo trừ đi vòng cổ áo thì sẽ có số dư phải giảm. Đếm số mũi móc trên số dư rồi lấy số đo vòng cổ chia cho số mũi dư đó thì sẽ có số mũi cho mỗi khoảng cách)
ĐAN BÂU ÁO
gầy 3 mũi
hàng có số lẽ thì thêm 2 mũi ở 2 đầu
Đan 9 hàng mũi xuống thì sẽ được 21 mũi
dùng kim tây để lấy ra 10 mũi có số chẵn ( 2, 4, 6, 8, 10), giữ lại trên kim đan 11 mũi  gồm mũi số 1, 3, 5, 7, 9, 11, 13, 15, 17, 19, 21.
Đan 10 hàng gồm 1 hàng lên 1 hàng xuống. Nhớ chú ý sao cho mặt thấy hàng bính sẽ là bề mặt.
Sau khi đan 10 hàng thì chuyển số mũi này sang kim tây và chuyển 10 mũi trên kim tây vào kim đan để đan 1 mặt khác, nhớ chú ý đan sao cho hai mặt trái đâu vào nhau.
 Sau khi đan 10 hàng thì chuyển số mũi gửi trên kim tây vào kim đan theo thứ tự 1,2, 3..... 19, 20, 21
Đan trở lại mũi xuống khoảng 6 sọc thì bắt đầu đan gợn sóng. Lấy chỗ lõm cổ làm chuẩn để đếm mỗi bên 4 con sò, số  con sò còn lại sẽ là khoảng phải đan gợn sóng.
Sau khi đan đủ số gợn sóng thì đan 6 sọc mũi xuống rồi đan khe để luồn như đã đan và phần trái tim này sẽ áp dụng cách giảm mũi.
Sau đó thì khâu bâu áo vào thân áo.
MÓC BÂU ÁO

Nếu không muốn đan thì cũng có thể móc bâu áo.
 Cách móc tương tự như cách móc bâu áo ghi ở bài Móc áo bé gái tay raglan
. Sẽ móc thử trái tim và bổ sung thêm... chờ tui nhen, hiện nay thì không có cầm kim đan kim móc gì vì cái tay đau.
3/9/2013: BỔ SUNG PHẦN MÓC BÂUphần này ghi hương hướng vì lúc móc không ghi nên nay quên nhớ lộn xộn rồi bạn ơi.

- BẮT MŨI/ GẦY: tạo 1 mũi trên kim móc nhưng không kéo sát phần gút (thắt nút thòng lọng, không kéo sát dây  ở phần gút để có thể xiên kim móc vào - xem hình bìa trái ở bên dưới)
*đầu mỗi hàng móc đều móc 1 mũi xích trước khi tiến hành móc mũi móc đơn (sẽ không nhắc lại ở phần tiến hành các hàng móc)
Thêm mũi 
- HÀNG 1: *móc 1 mũi XÍCH rồi mới móc 1 mũi MÓC ĐƠN vào vòng gút còn chừa chưa kéo sát lúc gầy mũi.
- HÀNG 2:* móc 2 mũi móc đơn vào chân mũi móc đơn của hàng 1 (THÊM 1 MŨI, tổng số= 2 mũi)
- HÀNG *3,5,7: móc bình thường, không thêm
- HÀNG 4:* móc 2 mũi móc đơn vào mỗi chân của hàng thứ 2 (hàng 3 THÊM 2 MŨI, tổng số=4 mũi)
Tùy theo muốn có phần trái tim rộng hay hẹp để tiếp tục thêm mũi: có thể thêm như sau:
nếu thêm 2 mũi thì thêm ở dầu mỗi hàng móc (như hình minh họa)
nếu thêm 1 mũi thì thêm ở giữa, và nếu thêm 3 mũi thì thêm 2 đầu và ở giữa.
Khi đủ độ rộng cho trái tim thì móc thêm 2 hàng nhưng không thêm mũi
Giảm mũi (xem hình thì dễ hình dung nhưng cũng ghi thêm đề phòng mất hình)
như trong hình thì giảm mũi ở hàng thứ 13, hàng này có 12 mũi, giảm 1 lúc 6 mũi để còn lại 6 mũi.
Nếu muốn phần này hẹp hơn thì giảm ở hàng kế tiếp.

Cách giảm 1 lúc 6 mũi: mũi móc (nếu là móc bình thường thì mỗi mũi móc đơn phải tiến hành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 là xiên kim móc vào chân của hàng móc định móc, vắt chỉ và kéo cho mối chỉ lên kim móc để có thêm 1 vòng chỉ thứ nhì trên kim móc; giai đoạn 2 là vắt chỉ rồi kéo mối chì xuyên qua 2 vòng chỉ trên kim móc để còn lại 1 vòng chỉ trên kim móc)
giảm một lúc 6 mũi thì giai đoạn 1 phải tạo thành 6 vòng chỉ để trên kim móc có tất cả là 7 vòng chỉ tức là móc 6 lần giai đoạn 1 trên 6 mũi liên tiếp, giai đoạn 2 vắt chỉ và kéo chỉ xuyên qua 7 vòng chỉ để trên kim móc chỉ còn 1 vòng chỉ.
MÓC KHE ĐỂ SAU NÀY LUỒN TRÁI TIM THAY THẾ CỘT DÂY

phần A: Sau khi giảm thì sẽ còn 6 mũi và móc khoảng 4 đến 6 hàng, ngưng ở đây để móc thêm 1 phần tương tự (gọi là phần B)
phần B: Nối chỉ vào chỗ có 6 mũi, móc cho đủ số 4 hoặc 6 hàng. Cắt chỉ ở đây.
Tiếp tục ở phần A, 
HÀNG 1: Thêm mũi 3 hoặc 4 mũi. Khi móc nhớ xiên kim móc cả 2 phần A và B để nối 2 phần ấy lại tạo thành khe để luồn.
HÀNG 2  và 4 hàng còn lại thêm mũi sao cho hàng thứ 6 phải được 14 mũi.
HÀNG 7 đến hàng thứ 12 (khoảng 5 đến 7cm): móc bình thường không thêm mũi
Tới đây thì móc vào bâu áo theo như cách móc ở bài Móc áo bé gái tay raglan


Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

Độc tố dấu mặt trong vườn rau

Rau củ trong vườn nhà có sẵn, thật tiện lợi, khi cần là có ngay. 
Cũng cần biết rằng rau củ ăn được nhưng không phải các phần của chúng đều dùng được. 
Có những độc tố tiềm ẩn trong lá hoặc hột hoặc trong sắc màu của chúng.
Trái khổ qua/bitter melon
lớp bao màu đỏ của hột có chứa độc gây hại cho người.
- triệu chứng: nôn mữa tiêu chảy và có thể tử vong.
Ngoài việc dùng để nấu ăn, trái khổ qua còn được dùng như một vị thuốc trị bệnh ( link) nhưng khổ qua có tác hại cho phụ nữ có thai và trẻ em (link này viết khá chi tiết về công dụng trị bệnh của khổ qua)
Khổ qua có chất Monorcharins có thể gây sinh non. Do đó người có thai nên tránh ăn trái khổ qua.link
- hiệu ứng có hại của lá và trái khổ qua
Khổ qua có vài tác dụng phụ nghiêm trọng. Với trẻ em đó có thể là nguyên nhân gây hôn mê, co giật. Với người lớn đó có thể là nhức đầu và cũng có thể gây ra khả năng sinh sản giảm (vô sinh). Khổ qua cũng rất nguy hiểm nếu như được dùng cùng một lúc với các loại thuốc làm hạ đường huyết.
Tóm lại, ngoài khả năng điều trị bệnh thì khổ qua cũng được ghi nhận rằng có tác dụng phụ như: nhức đầu, hôn mê hạ đường huyết/hypoglycemic coma, thiếu máu tán huyết/ Hemolytic anemia (HEE-moh-lit-ick uh-NEE-me-uh), dị ứng, vô sinh, ảnh hưởng đến một số loại thuốc đang được uống. Bởi những ghi nhận này thì có lẽ chúng ta nên có chút chú ý khi dùng trà khổ qua và ăn trái khổ qua.
Lá Rhubarb
Độc tố chứa trong lá. Nấu chín hay ăn sống thì lá Rhubarb đều có chứa Oxalic Acid. Các acid oxalic trong lá Rhubarb có thể làm vỡ một quả thận, có thể gây chết người.
Màu xanh của Khoai tây (potato)
Trong lá, thân, mầm khoai tây, và ngay cả phần có màu xanh trên củ khoai tây do bị tiếp xúc với ánh sáng đều có chứa Solanine.
- ngộ độc Solanine biểu hiện ở rôi loạn tiêu hóa và thần kinh.
- triệu chứng: buồn nôn, tiêu chảy, nôn, đau bụng, rát cổ họng, đau đầu, chóng mặt. Trường hợp nghiêm trọng có thể bị ảo giác, tê liệt, mất cảm giác, sốt, vàng da, giãn đồng tử... chết.
Các triệu chứng thường xãy ra sau 8 đến 12 tiếng đồng hồ sau khi ăn phải khoai tây có chứa Solanine. Nếu ăn phải khoai tây giàu chất Solanine thì triệu chứng xãy ra khoảng 30 phút sau khi ăn.
- liều thấp nhất gây ra triệu chứng buồn nôn cho người lớn khoảng 25mg.
- với khoảng 400mg thì có thể gây chết người. (link, link)
Ớt, ớt chuông, cà tomato, cà tím eggplant cùng họ Nightshade với khoai tây, do đó chúng cũng có chứa chất Solamine nhưng mức độ không cao bằng khoai tây. Vì vậy nên tránh ăn lá và thân của các loại cây này.

Lá cà chua có chứa chất akaloid cũng có thể dẫn đến ngừng tim và tử vong, nên tránh không được dùng như một loại rau xanh.
Phần xanh của Carot mặc dù ít dộc hơn nhưng ngọn củ cải đỏ/carot có chứa akaloid gây hại cho phụ nữ mang thai, người bị rối loạn miễn dịch và trẻ con, do đó nên tránh dùng phần chóp ngọn.
biểu hiện: rát cổ họng, thắt chặt khí quản, và làm tim đập nhanh.

Hột Apple, Cherry nếu ăn ở một lượng nào đó thì có thể chết link

Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013

Đu đủ bị bệnh

 Chỉ là chép lại kinh nghiệm trồng trọt học ở đây, ở đây về bệnh của cây đu đủ vườn nhà.
 Bị chết ngọn chính, cây đu đủ mùa này vẫn còn trái từ nhánh mới, nhưng bị đốm đen trên lá và trái.

Theo những gì đọc được thì thấy dường như đu đủ trong vườn bị bệnh bởi:
Nguyên nhân: thiếu Potassium, Phosphorous và Magnesium
Biện pháp phòng chống:
- vào đầu mùa Xuân và mùa Thu bón phân giàu Kali, Phosphorous (phân lân hoặc phân gà), Magnesium (trong Epsom Salts_ sẽ ghi lại vài điều về muối Epsom trong bài khác)
- Trong suốt thời gian tăng trưởng của cây cần bón Dynamic Lifter loại dùng để bón cho Citrus và Fruit hoặc Thrive Granular Citrus Food
Xem hướng dẫn sử dụng, thành phần NPK trong Dynamic Lifter for fruit & citrus ở đây và Thrive Granular  citrus food ở đây
Tưới Seaweed quanh năm cũng giúp tăng cường sức khỏe của cây. Seaweed cung cấp nguồn khoáng chất và các chất kích thích tăng trưởng để thúc đẩy rể phát triển.
Đây là 2 loại Seaweed,
chai màu trắng tưới cho cây con và cây mới lớn, bình màu xanh dùng cho cây trưởng thành

 Trong những tháng lạnh của năm, cây đu đủ thiếu dinh dưỡng rất dễ bị bệnh Black Spot và Powdery Mildew. Nếu đu đủ được bón đúng phân cung cấp đầy đủ dinh dưỡng thì không cần phải phun xịt hóa chất phòng côn trùng và bệnh. 
Góc kể chuyện đu đủ vườn nhà 
Mùa 2011, đu đủ sung sức nên trái lớn.
Trái vừa chín thì vỏ vẫn còn đẹp, không nghi ngờ về bệnh.
nhưng khi trái chín đều khắp thì thấy rõ là trái bị đốm trắng.
hình 1
Đây là 1 cây khác, cùng 1 đợt gieo hột, nhưng được chăm kĩ lưỡng nên cây to và mùa đầu có trái khá nhiều.
Cây này có dấu hiệu thiếu hụt dinh dưỡng _lá có dấu hiệu của Bệnh úa vàng / Chlorosis (phiến lá giảm màu xanh (nhìn kĩ 2 lá thấp nhất trong hình 2)
30-4-2011
hình 2
Hơn năm nay ít bón phân cho hầu hết cây trong sân vườn.
Hình 3: Sau mùa đông đầu tiên, cây đu đủ "út" èo uột nhỏ nhất trong đám hạt gieo chỉ còn cái chóp ngọn (nhờ nhỏ xíu nên không bị đốn bởi lời phán của Ba tui "ĐU ĐỦ ĐỰC"...) Được bón đều đặn Dynamic Lifter và phân NPK loại tan chậm, và nhờ đứng cạnh hàng bông hồng, ăn ké phân bón nên mùa 2011  đã có trái chiến, trái to hơn trái đã lấy hột gieo nó. Trái đầu tiên cũng ngọt, trái thứ nhì, ba lạt dần. Đến khi chùm trái như trong hình 1 thì vỏ trái có đốm trắng. Cùng lúc này thì cây đu đủ "chị" cũng bị đốm trắng trên trái.
hình 3
16-8-2011, bệnh úa vàng rõ rệt trên cây "chị", trái bị đốm đen (mới biết về căn bệnh hôm tháng 7/2013, có ghi lại ở bài NHÌN LÁ ĐOÁN BỆNH CHO CÂY)
 hình 4
Mùa 2012 bà chủ bị đau tay, nên bị ngưng bón phân, may nhờ đã bón phân định kì vào đầu mùa Thu nên đu đủ có trái um sùm vào mùa 3. Cũng bởi mang nhiều trái mà không được bón phân định kì vào đầu mùa xuân và mùa tỉa hồng tháng 7 cho nên trái và lá có nhiều đốm đen.
Và  suốt mùa hoa hồng 2012, không có bón phân định kì, không có tưới Seasol,  rải Dynamic nên lá và trái đu đủ bị đốm đen từ gốc tới ngọn. Đến sau tháng 8 thì cái ngọn chết ngắc .
Đến khoảng tháng 12/2012 nhờ chăm sóc đám LanHuệ và đám bông chuẩn bị Tết nên đám đu đủ vươn chồi con tua tủa.


Hoa Tết lụi tàn, chăm sóc thưa dần rồi ngưng hẵn. Đám đu đủ chị và em nhìn đen thui bởi đốm đen trên trái và lá. Bởi 1 thân mang nhiều tược mà không được bón phân.
(theo những gì mới đọc thì đây có lẽ là bệnh Black Spot, cứ tưởng đu đủ bị bệnh là tại bệnh chứ không hề biết rằng chúng bị thiếu dinh dưỡng.)
cây đu đủ "út' hôm qua và hôm nay
hình 5
hai "chị em" hôm nay, 21/7/2013
Sẽ bón phân và ghi nhận tiếp về hai chị em đu đủ này.
Sẽ chép thêm chuyện bệnh trên cây cà chua và bài thuốc phun xịt điều trị cho chứng bệnh đốm đen và mốc trắng của lá cây vào thời điểm ẩm của mùa lạnh.

Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

Đan_Mũi Brioche và nón phi công

Đan nón với mũi Brioche
(chỉ là mò trên nón mượn, chứ chưa thực hành)
Đây là nón mượn .
Đây cũng là nón mượn. Nón này dể nhìn hơn, nên chỉ ghi cách đan dựa theo nón này.
Bắt đầu từ quai nón. Đan mỗi lần 1 quai nón. Quai nón chia làm 2 phần: dây nón và
- Dây quai nón gầy 6 mũi
- đan 1 mũi lên, 1 mũi xuống (dường như mũi ở đầu hàng cũng đan)
Cách thức thực hiện mũi xuống: Xiên kim đan ở phía sau mũi sẽ đan xuống (chứ không đan xuống kiểu như bình thường)
- Phần tai của nón 
Sau khi đan khoảng 10cm (dường như là 30 hàng đan) bắt đầu thêm mũi  để có 12 gợn sóng nổi_tổng số mũi khoảng 23 mũi (phần thêm mũi để làm phần che tai dường như là phải đan khoảng  22 hàng hay 23 hàng...khoảng khoảng 8cm)
- Vòng nón: đan bằng kim đan thường, sau khi xong mới khâu đính lại.
Chợt nghĩ, nếu đan bằng kim vòng phần đan mũi Brioche thì sẽ không thấy đường ráp nối, nhìn nón sẽ hay hơn.
phần đan bằng mũi Brioche đếm được 45 gợn sóng
Để bắt dầu vòng nón:
 gầy 9 mũi> chuyển tất cả số mũi của phần quai nón thứ nhất lên kim móc >> vòng chỉ để gầy 26 mũi >>> chuyển các mũi của phần quai nón thứ nhì lên kim móc >>>> gầy tiếp 9 mũi
tổng số mũi của vòng nón là: 9+ 23+26+23 +9= 90 mũi = cm
Đan tiếp tục kiểu đan của quai nón khoảng 10 hàng = cm
Đan mũi Brioche khoảng 15  hàng = cm
- Phần chỏm nón: đan bề trái mũi lên, bề mặt mũi xuống và giảm mũi ở hàng xuống, hàng lên đan bình thường.
Cách thức giảm mũi: có 10 lần giảm mũi và đan khoảng 14 hàng (tớ đếm ở bề mặt, 1 vòng bính tớ kể là 1 hàng cho dễ nhận diện)

Cách đan mũi brioche/mũi cốt/mũi sóng lượn
xem video ở đây  (xin cám ơn blog tuhaibantayme)
gầy/ bắt mũi số chẵn.
Khái niệm: 1 mũi lên không đan, chỉ chuyển mũi đan từ kim trái sang kim bên phải nhưng vẫn giữ sợi len ở tư thế đan lên , 1 mũi xuống đan xuống bằng sợi len đang ở tư thế đan lên (như vậy mũi xuống đó có thêm sợi len vắt lên trên coi như có 2 mũi nhưng sau này vẫn coi đó là 1 mũi xuống)
- hàng 1: *mũi lên thì chuyển qua kim không đan, vẫn giữ sợi len ở tư thế đan lên để đan tiếp mũi xuống(như vậy mũi xuống đó có thêm sợi len vắt lên trên coi như có 2 mũi).*...  lặp lại phần trong dấu *  *cho đến hết.
- hàng 2: gặp mũi lên thì vắt chỉ lên nhưng lấy mũi lên đó từ kim trái sang kim bên phải _không đan, vẫn giữ sợi len ở tư thế mũi lên để tiếp tục mũi xuống _1 mũi xuống ở hàng này bây giờ đã là 2 nhưng vẫn coi như là 1 mũi _ ... cứ thế tiếp tục cho đến hết.

Chú ý
Cùng mẫu nón cùng số mũi đan nhưng bé đội nón hồng thì đẹp, còn đội nón đỏ thì bị chảy xệ không ôm vòng đầu.
-nón hồng dường như có pha wool hay 100%wool và sợi len to hơn 8ply
-nón đỏ dường như pha cotton hay 100%coton, sợi len to hơn loại 8ply
hai nón được đan bằng 2 loại chỉ len khác nhau, tớ không có kinh nghiệm xác định loại len nên phần nhận xét này sự chính xác về dạng len còn (?) -> do đó nếu bạn đan thì nên chọn len.
Tớ có đan thử bằng chỉ 100% Acrylic 8ply thì thấy sóng Brioche mảnh mai, thấy khác với 2 nón này.
chỉ 8ply trắng hướng dẫn đan bằng kim 4.5mm, tớ đan bằng kim 5mm.. có lẽ vì vậy mà mẫu đan thấy thưa quá.


Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

Royal Botanic Garden (2)_ Hoa Xuân

Hoa Xuân

Hàng năm, vào giữa tháng 8 là đã có hoa xuân trong Royal Botanic Garden. Hoa nở kéo dài suốt tháng chín.
Riêng hoa đào thì thời gian hoa nở dao động tùy theo thời tiết.
Năm 2012, thời điểm hoa đào trong Royal Botanic Garden nở rộ là giữa tháng 9. Lúc đó các hoa trồng chen dưới gốc đào vẫn còn khoe sắc nhưng độ tươi tốt đã giảm dần.
Sắc màu hoa rực rở nhưng hầu như mọi người đều chăm chú ngắm hoa đào.
Không khỏi ngạc nhiên khi chợt trông thấy 2 sắc màu hoa đào trên cùng một cây.
Không gì thích thú khi chợt phát hiện một bông hoa với sắc màu khác hơn các bông hoa khác trên cành hoa.
Người ta chụp hình đẹp lắm, bạn có thể xem thêm ở đây(flickr.com/photos) 
Cây hoa này màu sắc, kiểu dáng thì cứng nhắc nhưng nó thu hút nhiều người quan tâm, bởi vì cách sắp xếp các chuỗi hoa. Nhìn hình bìa phải, xem bông hoa ở giữa hình thì sẽ thấy chuổi hoa xếp thành 1 vạt thẳng tắp.

Hoa này nở rộ nhìn như một cây dù hoa màu tím hoa cà thật mát mắt.
Ở đây có 2 màu: tím hoa cà và trắng.


VÀI NÉT VỀ ROYAL BOTANIC GARDEN ở Sydney.
- Royal Botanic Garden ở Sydney là 1 trong 3 khu vườn thực vật lớn ở Sydney, mở cửa 7 ngày trong tuần, vào cửa miễn phí.
- Diện tích: 30 hecta; phía Bắc giáp Sydney Harbour; phía Tây Nam giáp Cahill Expressway; phía Đông giáp Art Galery road.
Đây là khu vườn thực vật lớn.
Nếu có trẻ em hoặc người có tuổi hoặc thời gian ít nhưng muốn xem đủ cách nơi, trả tiền để đi xe này.

Chỉ có vài giờ ngắm nhìn nên chưa biết nhiều. Vì không có ghi chú, nên gần 10 tháng sau xem lại hình thì trí nhớ ngờ ngợ hết còn chính xác.
Những ghi nhận hôm nay, có thể chưa đúng lắm. Chờ dến tháng 9_Mùa Hoa Xuân 2013_sẽ dành 1 ngày đi vòng vòng. Hi vọng có nhiều thời gian xem kĩ hơn để đính chính lại.
Góc này gần khu vườn Succulent. Lúc này là 4:39pm
Đây là khu vườn Succulent. Cactus và Succulent được trồng theo nhóm xuất xứ (American, African, Canary Island, Madagascar, chủng loại lâu đời và chủng loại mới
Nơi này là khu vực tô màu xanh da trời trên sơ đồ. Các xương rồng và cây mọng nước_có từ lâu đời và chủng loại mới_ được trồng xen với nhau tạo thành 1 cảnh quan rất bắt mắt. Coi như đây là điểm nhấn của khu vườn Succulent. (cảnh rất đẹp nhưng buổi chiều, vị trí chụp hình bị mất nắng nên hình tối thui)
Buổi sáng sớm thì ánh nắng sáng dọi vào chắc là hình rất đẹp.
Đây là Cleistocactus Strausii
Silver Torch, họ: Cactaceae, bông màu tím hoa cà hơi đậm, có họng dài như bông thanh long
xuất xứ: phía nam Bolivia tới Arghentina
Bạn có thể biết thêm ở link
Bụi xương rồng này nhìn rất ngầu nhưng bông thì thấy hiền khô.
Có loại xương rồng từ African/Châu phi, cao hơn 2m, thân có gai nhìn thấy sợ, nhưng không có bảng khuyến cáo là có độc tố.
Còn những cây được xem là dược thảo, là cây cảnh lại có bảng _Cây Aloe vera/lô hội và cây Euphorbia/xương rồngbát tiên. Cả hai loại này trong mủ có chứa độc tố.
Hãy cẩn thận. 

Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

Royal Botanic Garden (1)_Sydney Habour

Du khách đến Sydney có lẽ thích có những bức ảnh chụp 2 biểu tượng của Sydney -  Nhà Con Sò và cầu Sydney.

ROYAL BOTANIC GARDEN
một nơi cần đến của khách du lịch phương xa.
Vì nơi này có thể chụp ảnh cầu Sydney và Nhà Con Sò thật rõ.
Rời ga xe lửa, chỉ cần đi bộ khoảng 10 phút là đứng trên thềm của Nhà Con Sò, đi bộ thêm 10 phút là tới nơi có thể chụp hình Opera House và Sydney Bridge rõ lắm.
Dùng xe lửa là tiện lợi nhất. Chỉ cần ra đến ga Circular quay. Đi bộ ra nhà Con Sò là tới Royal Botanic Garden.
Nếu không có nhiều thời gian, và nếu không nghiên cứu trước địa điểm cần tham quan thì nếu chỉ đứng trên bậc thềm của Opera House nhìn qua thì người có ít ỏi thời gian sẽ không chọn để ghé mà ngắm cảnh biển nơi này.
hình 2
Bởi vì rời ga Circular quay, bước đi khoảng 2 phút, du khách cũng có được ảnh Sydney bridge và Opera House, đủ để ghi dấu một chuyến du lịch.
Royal Botanic Garden nhìn bên ngoài thì không có gì hấp dẫn, cũng khuôn viên công viên.. nên lúc chị cả sang du lịch đã bỏ lỡ cơ hội... thiệt tiếc.
Vào khu công viên, nếu đi bộ dọc theo kè đá,
 chỉ cần quẹo qua khỏi vòng cua một tí thì Sydney Bridge sẽ rõ dần theo bước chân.
(Tớ không biết điều này, nên mất nhiều giờ thích thú loanh quanh ngắm cây cỏ hoa lá trong công viên , đến khi có góc nhìn ra biển... thì mới biết)
.. lúc này là 5:34pm của tháng 9, thời điểm ngày vẫn còn ngắn hơn đêm. 
cành từ công viên nhìn ra Opera House bên cầu Sydney tuyệt đẹp... 
Nếu dừng chân ở khoảng giữa của kè đá thì sẽ chụp được hình mình với 2 kì quan này thật rõ. 
(có cặp du khách trẻ tốt bụng đã đề nghị chụp cho tớ kiểu ảnh, nhưng đứng một mình lơ ngơ quá nên tớ delete rồi)
Trời về chiều, biển chiểu thật đẹp. Bầu trời sậm dần, gió biển cuối đông se se lạnh. .. cảnh vật mê hoặc mọi người, có những tay máy ghìm sẵn góc chụp để sẵn sàng bấm máy đuổi theo ông mặt trời đang khuất dần trên biển. Khách du lịch thì mau mau bấm máy để còn nhường chỗ cho kẻ khác... có lẽ ai cũng muốn có cùng 1 góc chụp hình...

Đứng ở điểm cuối của vòng cua (bìa trái của hình 2) sẽ có góc chụp rất thơ mộng...

Hôm... người quen, nhờ đi theo để phụ trông chừng bé... nhưng khi khăn gói ra ga thì mẹ bé nói rằng: "rủ đi Nhà Con Sò chơi"... 
Vui nhen... lâu quá chưa có dịp trở lại Opera House - kì quan của đất Úc.
Nhằm lúc nhà con sò đang sửa chữa nên không có gì để ngắm... Dắt díu nhau qua Botany gardens - chỗ này sát bên Opera House vậy mà chưa từng bước chân vào.
Loanh quanh chụp hình vớ vẩn bỗng lạc bước vào con đường rực rở đủ sắc hoa.... thật đúng với cái tên "SPRINGS WALK" - 'đường hoa xuân'..
Vì đi với bé nên phải về sớm, chưa kịp ngắm toàn cảnh Royal Botanic Gardens. 
Ngồi xe lửa toan tính: rủ Má mình đi xem hoa... ừ mà chân Má yếu làm sao đi dạo, mà tay mình chưa thật lành làm sao dám đẩy xe cho Má lúc lên xuống xe lửa....Thôi thì trở lại một lần nữa, rủ anh xã cùng đi, trước là có dịp vợ chồng cùng nhau đi dạo chơi và cùng chụp hình và ghi hình đem về cho Má xem.
Dậy thật sớm, nấu cơm trong tâm trạng háo hức và nôn nóng chờ anh xã ngủ dậy để cùng đi.
H.. h .. hôm nay anh xã dậy muộn quá... 12 giờ trưa rồi mà còn nướng...
Anh xã thức dậy.. 
rủ rê...
- còn phải đi chợ búa
chợ gần nhà mà, ngày mai em sẽ đi mua nấu nướng trong vài ngày, không cần tích trử.
- còn phải đi thăm Ba Má.. chị gái nói rằng Ba Má già cũng yếu nên về chơi với Ba Má thường..
câu nói làm thốn tim mình... ba má ruột của mình mà...
...
Ngồi đợi xe lửa mà nước mắt tuôn tuôn... khóc vì nhiều nỗi...

Royal Botanic Gardens rộng, bên là vườn hoa, bên là sóng biển rì rào, người ta đưa nhau ra đó đông quá. 

Cảm động nhất là những cặp già dắt dìu nhau chầm chậm, thậm chí đẩy xe lăn cho người bạn đời. 
Vui mắt với cảnh gia đình trẻ - con cái ríu rít bên cha mẹ. Vợ chồng ánh mắt rạng ngời hạnh phúc.
Biển chiều đẹp mà buồn, càng về tối cảnh vật thật yên ắng... người già và gia đình trẻ đã về... chỉ còn những cặp đôi trẻ, vài du khách đi theo nhóm.
Men theo lối đi vòng theo biển, cảm giác thật cô độc khi nghe tiếng sóng biển rì rào, khi mà trời thật tối không còn nhìn rõ mặt. 
Royal Botanic Gardens thật tĩnh lặng về đêm... tự dưng muốn ngả lưng trên bãi cỏ một tí để ngắm đèn thành phố Sydney, ngắm NHà Con Sò trong đêm... nhưng có một mình thấy nhát nhát, phải chi có anh xã.
Về đến nhà cũng gần 10 giờ đêm... đêm lành lạnh như sự lạnh lùng...
Mở hình ra xem ... thấy vui với cảnh đầm ấm của người trong ảnh chụp... mong sao họ luôn giữ được những phút giây thư giản bên những người thân yêu.
Còn tiếp
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...