Thứ Năm, 29 tháng 6, 2023

182. THÊM 1 CÁCH GIÂM CÀNH HOA TRANG ĐÀI.

 Hoa Trang Đài, tên tiếng Anh là Mandevilla sanderi 

GIÂM CÀNH với  NHA ĐAM / ALOE VERA

3 nhánh được cắt ra từ 1 đoạn có mang hoa.


Hai nhánh thẳng đứng được cắm vào đoạn nha đam


Cắm cả 3 nhánh vào đất đã làm cho ẩm. (đất trong sân vườn, không trộn phân chuồng hay gì cả)
(vẫn giữ đoạn nha đam ở gốc của 2 nhánh thẳng
(gốc cong vẹo thì để vậy mà cắm vào đất kế bên nhánh có nha đam)


Tưới đẩm nước. Đặt trên vĩ có lót lớp gạch cho chậu không chạm đáy vĩ.
Để 2 chậu vào bao nilon màu xanh rồi bịt kín lại trong 1 tuần, vài ngày sau đó mở ra từ từ cho cành giâm quen môi trường mới rồi mới mở hẳn nilon.
Sau khi mở bao ni lon, thì mỗi ngày mỗi tưới phun sương lên lá và đất.

Sau 3 tháng, cả 3 cành vẫn còn xanh tốt nhưng chưa mọc thêm tược.
(mùa Đông ở đây từ đầu tháng 6 đến hết tháng 8, có lẽ vì vậy mà chưa thấy tược non.)

Cỏ mọc dài ra nhưng không nhổ, để đó cho chúng thêm ấm áp... hì.. hì..
Sẽ cập nhật vào mùa Xuân. (tháng 9, 10, 11)

Chờ đến mùa Xuân để biết kết quả 2 cách giâm cành này _ giâm với Nha đam và giâm tự nhiên.

SƠ LƯỢC về hoa Mandevilla / hoa Trang Đài.

Mandevilla/  Trang Đài là loại hoa sống nhiều năm. Hoa mọc thành chùm và thường mọc ở ngọn.

Thời gian ra hoa dài kéo dài từ mùa xuân đến mùa thu và vẫn nở lai rai đến cuối đông.

Mandevilla là một loại dây leo đẹp, phát triển nhanh ở các khu vực nhiệt đới và ôn đới, không thích hợp với vùng có khí hậu lạnh.

Mandevilla cần nhiều ánh nắng mặt trời. chịu bóng râm và nơi không có những cơn gió lạnh.

Mandevilla là loại dây leo nên cần khung hoặc lưới hỗ trợ.

Thích hợp với  đất có pha trộn thêm phân hữu cơ và phân chuồng hoai mục & thoát nước tốt.

Thích phân bón loại tan chậm/ slow release/controller release nhưng với liều lượng nhỏ (không thích bón nhiều phân).

Tưới nước đủ để giữ ẩm. Nên phủ thêm lớp mùn như cỏ khô hay bả mía/ mulch xung quanh để giữ độ ẩm NHƯNG không được phủ sát với gốc của nó. 

Mùa bón phân và tỉa cành: là cuối mùa Đông bước sang Xuân (Bón thêm đất có phân hữu cơ và phân chuồng hoai mục. Tỉa cành để có thêm nhiều cành mới để có nhiều hoa bởi nụ hoa chỉ xuất hiện ở ngọn chứ không ở thân chính.

CHÚ Ý: Mandevilla/ hoa Trang Đài chứa mủ trắng đục, nhớt, độc và có thể gây kích ứng da.



Thứ Sáu, 23 tháng 6, 2023

181. HIỂU GÌ VỀ PHÂN BÓN

 Nhân cô em cho biết đã lúng túng khi chọn mua và không biết trường hợp nào thì bón phân tan nhanhphân chậm tan nên tìm hiểu và ghi vào đây cho nhớ để trả lời cho cô em.

HIỂU GÌ VỀ PHÂN BÓN?

- Phân bón được bón cho bãi cỏ, cảnh quan và vườn tược để bổ sung các chất dinh dưỡng thiếu trong đất và cung cấp chúng khi cây cần: ngay tại thời điểm bón phân hoặc trong một thời gian dài.

LOẠI NÀO TỐT HƠN?

- Phân bón có tác dụng tức thì/ tan nhanh và phân bón tan chậm loại nào tốt hơn?

Mục tiêu bón phân là cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng.

Phân bón tan nhanh hay tan chậm có thể giống nhau về mục tiêu nhưng cách sản xuất và mục đích tạo tác dụng thì khác nhau. 

* Phân tan nhanh do đặc điểm tan nhanh nên nó cung cấp dinh dưỡng ngay lập tức. Nhưng không phải cây trồng nào cũng thật sự KHÁT dinh dưỡng _ các cây trồng cần cung cấp dinh dưỡng, cho nên phân tan nhanh đồng nghĩa cung cấp chất dinh dưỡng ồ ạt ngay tức thì. Việc này có thể làm suy yếu những cây trồng chưa thật sự KHÁT dinh dưỡng.

** Phân chậm tan/ slow release/ controller release_ Bản thân tên gọi của nó cho biết nó là phân tan chậm trong 1 khoảng thời gian được ghi rõ trên bao bì. Do đó loại phân này có tác dụng cung cấp về lâu dài lượng dinh dưỡng (lượng dinh dưỡng cung cấp cho cây đều đặn nhưng kết quả không ngay tức thì.)

TẠI SAO NÊN SỬ DỤNG PHÂN BÓN TAN CHẬM?

Controller release/ Slow release 

Phân bón tan chậm cung cấp chất dinh dưỡng với tốc độ chậm hơn, dựa trên độ ẩm và nhiệt độ.

ƯU

- Tốt cho cây trồng đang ở mức độ ổn định.

- Giúp tăng trưởng đồng đều hơn.

- Ít khi làm cháy cây trồng.

- Thời gian thực vật nhận được các chất dinh dưỡng cần thiết diễn ra trong thời gian dài hơn (có thể là 3 tháng hay 6 tháng, tùy theo thời gian nhà sản xuất in trên bao bì). 

   Loại phân chậm tan giúp giảm căng thẳng/ stress cho cây trồng. Vì nó không gò ép cây trồng phải tăng trưởng nhanh không tự nhiên. 

 - An toàn cho môi trường vì mức độ tan của phân bón tan chậm chậm nên lượng phân bón không thất thoát ra gây ảnh hưởng đến môi trường.

-  Màu xanh của lá cây sẽ kéo dài lâu hơn (do tính chất chậm tan cho nên lượng dinh dưỡng được duy trì lâu.)

NHƯỢC ĐIỂM 

- Các chất dinh dưỡng không cung cấp ngay lập tức cho cây trồng.

Vùng ôn đới, có khoảng thời gian thời tiết lạnh. Đất bị ảnh hưởng lạnh có thể ức chế hiệu quả. 

Vi khuẩn cần độ ẩm và độ ấm phù hợp _nhiệt độ đất ít nhất phải là 50 F (10 độ C)  mới đủ để hoạt động giúp phân hủy tạo thành chất dinh dưỡng để cung cấp cho cây trồng.

Phân bón tan chậm là loại phân bón có gốc hữu cơ nên cần nhiều nước hơn trong thời kỳ nhiệt độ cao, vì vậy có thể làm tan chất dinh dưỡng nhanh hơn. 

- Hiệu quả làm cho cây trồng xanh tốt có thể phải mất nhiều thời gian hơn.


 TẠI SAO NÊN SỬ DỤNG PHÂN BÓN TAN NHANH?

Phân bón tan nhanh sẽ tan rất nhanh sau khi bón vào cây trồng.

ƯU ĐIỂM 

-Cung cấp các chất dinh dưỡng có sẵn ngay lập tức cho cây cỏ.

-Hữu ích khi cây cần tăng cường chất dinh dưỡng ngay lập tức.

(như với các trường hợp: 

   _cây mới được trồng 

   _ giúp sân cỏ hay cây trồng nhanh chóng phát triển hay khỏi bệnh.

   _hoặc muốn sân cỏ hay cây trồng mau xanh tốt cho kịp với dịp lễ/tết/...

-Nitơ hòa tan dễ dàng hòa tan trong nước sau khi được sử dụng sẽ kích thích cỏ mọc nhanh & phủ xanh; cây trồng xanh tốt nhanh chóng.

NHƯỢC ĐIỂM 

-Việc tan nhanh vào đất có thể dẫn đến rửa trôi chất dinh dưỡng, gây hại cho môi trường.

-Thời hạn cung cấp dinh dưỡng chỉ kéo dài từ hai đến bốn tuần.

-Quá nhiều ứng dụng trong phân tan nhanh có thể gây cháy lá của cây trồng.

-Yêu cầu bón phân và cắt cỏ/ cắt tỉa thường xuyên hơn.

TÓM LẠI,

Không có một loại phân bón nào phù hợp với mọi cây trồng và mọi tình huống. 

Cho nên trước khi chọn phân bón cần: 

-kiểm tra đất để xác định chất dinh dưỡng bị thiếu hụt.

(do trồng trọt kiểu tài tử nên ít ai kiểm tra đất, cho nên lựa chọn tốt nhất vẫn là phân tan chậm)

-dựa vào kinh nghiệm bản thân qua việc nhận xét sự phát triển của cây trồng, của sự biến đổi nhận thấy rõ qua lá.

(tốt nhất là có sổ tay để ghi nhận biểu hiện và cách đã xử lý để tránh hoặc nên tiếp tục)

-Đọc kỹ nhãn sản phẩm để biết mình đang mua loại gì và cách thức bón phân ra sao, liều lượng thế nào, thời điểm nào nên bón.



Thứ Hai, 19 tháng 6, 2023

180. VÀI CÁCH TRANG TRÍ CHẬU TỰ LÀM.

 Viết tiếp theo bài 


Trồng Sen Đá không cần đất nhiều. Cho nên chậu tự làm có thể không cần sâu lắm.

 Sau đó dùng xi măng đính hoặc sỏi hoặc bê tông vụn thành khoảnh đủ để giữ đất. khi thấy Sen Đá mọc vượt cao thì nhổ ra, cắt tỉa ngắn và trồng lại.

Có thể dùng sơn để vẽ gân lá  hoặc sơn toàn bộ lá tùy thích.





Thứ Tư, 14 tháng 6, 2023

179. THỬ LÀM CHẬU bằng XI MĂNG

 Làm chậu trồng Sen đá / Succulent

Vật liệu:

- 1 lá Bạc Hà / Dọc mùng kích thước tùy thích.

- xi măng 

- cát

- chút xíu dầu ăn

Thực hiện:

1/ Chứa đất ẩm trong bao nilon với chiều dài và chiều rộng phải rộng hơn lá Bạc Hà.

2/ Dùng tay chỉnh / nắn đất trong bao sao cho có 1 phía nhô lên và 1 phía hạ thấp 

3/ Gấp nếp ở phía hạ thấp

4/ Úp lá Bạc Hà/ dọc mùng lên mô đất _ cuống lá ở chỗ cao nhất của mô đất, chót nhọn của lá ở vị trí xếp gấp của bao nilon

* có thể lót giấy báo lên nilon trước khi úp lá Bạc Hà. Việc lót giấy báo sẽ giúp hút nước tốt.

5/ Chỉnh lại mô đất cho phù hợp với lá Bạc Hà sao cho phần mô đất nhô cao nhiều nhất ở khoảng cuống lá. (để tạo phần lõm sau này sẽ là chỗ chứa đất trồng cây)

6/ Xoa dầu ăn lên lá Bạc Hà. Không cần thoa nhiều dầu, miễn có dầu là được. Mục đích thoa dầu ăn là để khi xi măng khô thì dễ bóc lá ra khỏi xi măng.

7/ TRỘN HỒ: XI MĂNG VÀ CÁT (theo tỉ lệ 1-1 _tức là 1 xi măng, 1 cát, trộn với nước, đừng quá lỏng.

8/ Đắp xi măng lên lá. Nếu muốn thoát nước hoàn toàn thì chỗ cuống lá không có xi măng. Còn nếu muốn giữ chút xíu nước thì dùng ống hút nhựa xoi lỗ xa hơn cuống lá một chút.

9/ Khi xi măng hơi hơi ráo thì dùng ngón tay miết lên xi măng tạo thành rãnh gân lá. (có thể dùng dao để vẽ)

10/ - Nếu muốn phần rìa lá hơi uốn cong thì dùng đá chêm ở dưới của bao nilong

      - Nếu muốn thấy rõ rảnh khuyết của lá thì dùng dao hoặc bay nhỏ tạo hình dựa theo đường cong của lá.

11/ Chờ đúng 24 giờ mới đem gỡ lá Bạc Hà ra.

Bề mặt này bị rỗ.

** Có thể pha xi măng với nước sền sệt, dùng cọ loại bản cỡ 2cm - 3cm để quét xi măng lên cả 2 bề mặt của chậu để chậu trông láng mặt hơn.

*** Nếu tạo hình không đủ độ lõm để chứa đủ đất trồng cây thì đặt cái chậu lên khoảng gần vị trí của cuống lá > đắp xi măng quanh chậu với độ cao 1cm - 2cm. Chờ 24 giờ mới nhấc chậu ra.(nhớ thoa dầu quanh chậu phần sẽ tiếp giáp với xi măng để dể lấy chậu ra.)

**** nếu muốn chậu kê cao khỏi mặt đất thì có 2 cách:

HOẶC:  sau 10 tiếng đồng hồ, gắn 4 chấu xi măng vào mặt đáy của chậu để tạo chân đế. Cách này đôi khi 4 chân khó bằng nhau, chậu sẽ chông chênh.

HOẶC: đổ xi măng lên viên gạch với kích thước tự chọn đủ để làm đế tựa cho chậu. Lúc xi măng vừa se mặt thì đặt chậu lên để lấy dấu. Nhấc chậu ra, chinh sửa cho đẹp mắt. Nếu muốn đế và chậu dính vĩnh viễn thì khi xi măng khô sẽ đắp thêm ít xi măng để gắn cho dính.

===


178. VÀI MẸO LÀM VƯỜN

 TRỊ ỐC SÊN

1/ Dùng túi nilon đen:

túi nilon đen nhúng đẫm nước, để cạnh chỗ trồng rau, sau 1 đêm ốc sẽ tụ tập rất nhiều ở bên dưới nilon đen đó. Sáng ra, chỉ việc lật nilon lên bắt tất cả và đem bỏ.

2/ Dùng vỏ dưa hấu:

Với ốc sên li ti nhỏ thì mẹo dùng vỏ dưa hấu úp ngược nơi thường có nhiều ốc thì cũng đạt kết quả tương tự như cách dùng nilon đen (vì ốc sên luôn thích những chỗ tối, nhớt, nhiều nước)

3/ Dọn cỏ, lá rơi : 

Giúp sân vườn thông thoáng, ốc hết nơi trú ẩn.

TRỊ ỚT BỊ ĐỐM VÀNG DƯỚI LÁ KIỂU RỈ SÉT

1/ Dùng baking soda để phun xịt

1 muỗng cà phê. baking soda với một lít nước và một ít xà bông hữu cơ dạng lỏng.

GIÚP CÀ TÍM CÓ NHIỀU TRÁI

Ngoài việc cung cấp chất dinh dưỡng phù hợp với các giai đoạn phát triển thì việc bấm ngọn cà tím sẽ giúp có thêm nhiều nhánh để tăng số lượng cành mang hoa.

Bấm ngọn ở lá thứ 5 CHỈ bấm búp (chỉ bấm bỏ  BÚP NHỎ tức là mầm ngọn) chừa các lá để còn quang hợp nuôi cây.

HOA CẨM CÙ

- có thể nhân giống bằng lá với thuốc kích rễ. Phải lá bánh tẻ, lá dầy  thì xác xuất thành công cao. (lá quá già hay quá non rất chậm ra rễ, thậm chí không ra rễ. Tránh chọn lá sâu bệnh.) 

Với cách nhân giống này cây sẽ giữ được những ưu điểm tốt của cây mẹ và thời gian ra hoa nhanh .

- đừng cắt bỏ chùm bông vừa tàn vì bông có thể mọc tiếp tục từ chùm đó.

- nếu cẩm cù trưởng thành chỉ toàn là lá thì thử cắt nước khoảng nửa tháng rồi sẽ tưới nước lại. Nhớ giảm nắng gay gắt trong khoảng thời gian cắt nước.

GIÂM CÀNH BẰNG LÁ.

Các lá mọng nước có thể nhân giống bằng nước như hoa Tử Linh lan/ African violet, Hoa Begonia/ Thu Hải Đường. 

Cọng lá không bị giập, giâm trong nước sạch, vật chứa sạch, để nơi nhận nắng sáng giáng tiếp trong vài giờ.

African violet/ Tử Linh Lan



Begonia/ Thu Hải Đường
Sau khi cắt rời đoạn mọc cây mới 
chiếc lá được giâm tiếp vào nước, nay đã mọc rễ để tiếp tục mọc mầm mới.



Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...