Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2023

124. CÓ 'XƯA' QUÁ KHÔNG?

 

Ngày mùng 1 Tết năm nay bữa cơm tại nhà Ba vắng nhiều gia đình nhỏ.

Nhâm nhi ượu biếu ngon, hứng chí Ba nói hơi nhiều. 


Ba đặt ra và tự giải đáp nhiều vấn đề:

1/ Về cách hiểu của thế hệ cách đây gần thế kỷ

-Tại sao 30 là ngày cúng rước Ông Bà? 

-Theo Ba, cúng cơm ngày 30 tháng chạp tức là ngày cuối cùng của năm (có thể là ngày 29 nếu nhằm tháng thiếu) để mời người đã khuất về chung vui với mái ấm. Hồi đó ông Nội con nói ‘mình có nguồn cội, cúng rước Ông bà ba ngày Tết là dịp để nhớ & nhắc nhớ nguồn cội.’

2/ Về cách hiểu mới hơn

Nói cúng kiếng Ông Bà Tổ tiên, nhưng thực sự mà nói, ngày đó vì người sống nhiều hơn - đó là ngày gắn kết tình thân thuộc.

3/ Tại sao giữ cái lệ ngày 30 Tết về nhà ‘hương hỏa’ để cúng rước Ông Bà?

-Hồi thời ba còn nhỏ, nhà nào có đất điền thì con cái lập gia đình đều được chia đất để có mái nhà mà làm ăn riêng để tự lập. Ngoài phần đất được cho riêng thì HOẶC con trưởng HOẶC con út được giao phần đất gọi là đất hương hỏa. Người giữ đất hương hỏa thường là người chăm sóc trực tiếp cha mẹ và cúng rước Ông Bà ngày Tết.

-Thời ba sinh sống ở đây, lúc đó mình ên cu ky ở xứ người nên ngày Tết chỉ có gia đình mình. Mà Tết của mình các con vẫn phải đi làm cho nên ngày 30 tết Ba Má chỉ cúng tượng trưng không yêu cầu đủ mặt các con cháu. Lâu ngày cái lệ chìm nghĩm bởi ba má yếu rồi nên chỉ cúng nước và cúng trái cây. Thật đáng tiếc _ mai một một dịp gắn kết, mai một một lệ tốt giúp con cháu nhớ về nguồn cội.

>Ngày 30 Tết, là ngày mà không khí Tết nhứt chín mùi, bữa cơm, có đủ mặt Ông Bà, con, dâu rể, cháu, chắt  rôm rả tiếng cười nói. Đó có phải là niềm vui? Đó có phải là  sự thân tình, cái ấm áp & chan hòa? Đó có phải là keo gắn kết tình thân tộc?

> Ngày 30 Tết, trẻ con trong cái vui khác với cái vui của ngày thường, chúng không chỉ có cảm giác sung sướng được nựng nịu của người lớn mà còn cảm thấy khoái vì được hưởng một không không khí vui vẻ khác _cùng chơi đùa với các anh em cô cậu cùng trang tuổi. Anh em cô cậu biết mặt nhau, gắn kết với nhau, có như vậy phải là vui vẻ không? 

Hồi xưa, ngày 30 ai đi xa cũng ráng về cho kịp ngày 30. 

Nay là mùng 1, mà chỉ có 7 người về. Dù ít người nhưng đủ 3 thế hệ nhưng Ba vẫn lấy làm tiếc.

Sao không tạo được cái lệ sum họp gia đình bên bàn thờ gia tiên để nhớ người đã khuất, và gắn kết tình thân? Riết rồi anh em/ thân tộc như người xa lạ /riết rồi chẳng biêt mặt bà con gì hết.


Ba tôi đúng, nhưng dường như ông còn 'XƯA', chưa thực tế. 

Ở xứ này, con cháu của ba ở cách xa nhau:

 - có đứa cách 600km, 

- có đứa bị ràng buộc phải có mặt ngày cúng 30 Tết của gia đình bên chồng/ bên vợ mà ngày Tết ta thì đâu có đứa nào được nghỉ. 

- Và có đứa còn bị job ràng buộc là không được nghỉ làm trong mấy ngày Tết âm lịch. 

Do đó các em cháu đã tranh thủ đưa con về chúc Tết sớm chứ không thể họp mặt cúng rước Ông Bà vào ngày 30 Tết hay mùng 1 Tết.

Thật tiếc, nhưng phận người xa xứ thì phải chấp nhận những bất cập thôi, chị em tôi thì thầm _có đứa nói ba mình XƯA quá, chứ không dám nói gì hơn trong nỗi buồn của Ba. 

Và trong đám con của Ba, chỉ có tôi giữ được lệ cúng rước Ông Bà ngày 30 Tết cho dù mâm cúng rất xoàng xỉnh & ít oi, dù bận đến đâu cũng ráng có mâm cúng rước Ông Bà, ông Táo. 

Như vậy tôi có 'XƯA' quá không?
Hôm nay, chồng trò chuyện với bà chị họ sinh sống ở Mỹ. Chồng chị cũng giữ được nếp cúng rước Ông Bà. Cũng vẫn tấm lòng và mục đích cho các con nhớ cội nguồn là chính chứ cúng kiến cũng đơn sơ vì  thời gian eo hẹp.

Chúng tôi có 'XUA' quá không?


123. CHUYỆN PHONG BAO LÌ XÌ.


Như bao năm,

cứ gần Tết Nguyên Đán vẫn có mục rảo tìm phong bao lì xì.

Cũng như bao năm,

đảo qua đảo lại cái mẹt đựng phong bao Lì Xì ở các tiệm để tìm mấy chữ "CUNG CHÚC TâN XUâN" .. tìm lại cành mai.

Nhưng như mọi năm.... các mẫu phong bao toàn chữ Tàu và tuyệt nhiên không thấy cành mai , bánh chưng xanh hay những hình ảnh gì liên quan đến Tết Việt Nam.

Những hình ảnh trên phong bao lì xì đều mang phong cách Tàu.

Đành phải mua phong bao có chữ Phúc.


Như mọi năm, bận bịu gì thì cũng ráng gợi lại hình ảnh Tết cho các cháu.

Buộc phải cầm phong bao lì xì các cháu nhỏ mà cảm thấy chạnh lòng.

Mươi mươi năm nữa kí ức của lứa bé thơ cầm phong bao lì xì chỉ còn đọng lại những gì mà chúng thấy trên phong bao chúng được Lì Xì. Cái hồn Tết Việt (bánh chưng xanh và cành đào, bánh tét xanh & dưa hấu đỏ..vv...) coi như không hiện hữu/không hề có trong mắt chúng.


Rồi thêm mươi mươi năm nữa, những đứa trẻ nhà Việt Nam lên 5 lên 10 còn biết mình là người Việt Nam?

Những điều cho là tiểu tiết hoá ra chuyện không nhỏ với người xa xứ  nếu như có quan tâm về nguồn cội Việt Nam.



Thứ Ba, 24 tháng 1, 2023

122. TẢN MẠN CHUYỆN CÚNG KIẾNG

 Không hiểu vì sao, duyên do nào và bắt đầu từ năm nào tôi bắt đầu chuyện cúng kiếng.

Chỉ nhớ dường như lúc có được mái nhà.

Nhớ đó là năm thứ 2 hay thứ 3 sống ở đất này- ngày có được mái nhà - 

Đó là những ngày tháng tối tăm mặt mày - xoay mòng mòng với cơm áo gạo tiền.

Nhớ, dạo đó, tới mua trái cây cũng đếm đầu người và nhân cho số ngày để mua đúng số trái cây. tới giấy lau tay cũng tính toán sao cho vừa đủ xài để có đủ tiền trả lãi cho Ngân hàng. Phải nói đó là những năm vô cùng chật vật bởi job thì tạm bợ, nợ ngân hàng phải trả đúng kỳ, nếu mấy kỳ không trả nợ thì NH sẽ có quyền kêu bán nhà của mình để thu hồi nợ mình vay. phải chu cấp cho mẹ ở bên quê, phụ chị em lo giỗ quãy.

Nợ Ngân hàng như 1 bên dĩa cân nó cứ chông chênh chồng chềnh theo cái job casual.

Giữa cái chông chênh đó, con người bỗng tin vào một thế lực huyền bí, người thân khuất bóng. Thế là những lời vái van cầu nguyện nhặt thưa tùy theo độ bấp bênh của job. Thế là cúng kiếng. 

Và cúng kiếng đã như là một điều gì đó quen thuộc thành nếp nhà.

. Dân Tây có Tết Tây, mọi người được nghỉ Tết. Còn dân ta làm gì có ngày nghỉ Tết ta trên xứ Tây. Dù cho ngày Tết ta không nhằm thứ bảy hay chủ nhật thì tôi vẫn chưa bao giờ xao lãng việc cúng rước Ông Bà 3 ngày Tết.

Năm nào cũng vậy, từ 2 vợ chồng trẻ bước sang 2 vợ chồng già, chúng tôi rước Giao Thừa, cúng rước Ông Bà, giỗ cha mẹ & chị chồng. 

Vậy đó CÚNG KIẾNG đã trở thành nếp nhà. Nhưng nếp cúng kiéng lai căng _ chẳng nhang đèn, chẳng vàng mả, chỉ có lời vái van lầm thầm nhưng là lời của tận đáy lòng biết ơn và tưởng nhớ những người ơn, những người trong thân tộc đã khuất bóng........

Đón Giao thừa Quý Mẹo -2023


Tết Mậu Tuất


Năm Bính Thân 


Giỗ



Cúng rước chỉ thèo lèo nhưng chứa trong đó bao lòng thành kính và bao nỗi niềm.

Mâm cúng Ông Bà hay mâm giỗ cũng giản đơn, lèo tèo nhưng chứa cả tấm lòng

Và khi có nấu xôi hay bánh hay mua thịt quay... dù không nhằm ngày giỗ cũng mang cúng.

----

Ghi thêm vào ngày mùng 4 Tết (25/1/2023)

Cô bạn nói ' quá dị đoan'

Thật ra lúc khốn khó chao đảo thì cố bấu víu vào những lời cầu khẩn thông qua vài món cơm  dâng cúng, đúng là có màu sắc dị đoan trong cách nghĩ....mà nhờ vậy mà vững tinh thần mà ráng gượng chèo chống vượt khó khăn. Nhưng duy trì cũng kiếng cho đến ngày nay thì hết còn là dị đoan, việc cúng kiến giờ đây không chỉ là lòng biết ơn mà còn là một cách giữ lửa, cách duy trì lòng biết ơn trong đầu óc con và cháu. 

Ở trời tây, lớp trẻ hiểu và sống theo nhịp sống của xã hội chúng đang sống. Nên việc cúng kiếng như đã ghi ở trên cũng là cách dạy chúng học trong thụ động, mong chúng không quên tổ tiên nguồn cội. Chúng có làm theo hay không thì không bàn đến, nhưng ít nhiều gì thì chúng vẫn có khái niệm Tổ tiên nguồn cội ở trong đầu.

Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2023

121. NGÀY 30 THÁNG CHẠP năm Nhâm Dần

 CÚNG RƯỚC ÔNG BÀ

Năm nay bày mâm cúng rước Ông Bà thật khỏe nhờ có bạn cùng nhà làm phụ bếp và mâm cúng đơn giản.

Mâm cúng rước Ông Bà.

Ở đây, miền Tây Nam của Sydney, trước đây khoảng 20 năm, vùng này thuộc vùng xa hẻo lánh nên chỉ di dân người Á Châu lập nghiệp.

Nhưng hiện nay, mật độ di dân Việt và Hoa tăng dần ở một số vùng như Cabramatta hay Fairfield hoặc Bankstown nên việc tìm mua những món liên quan đến Tết cũng dễ, chợ búa cũng nhộn nhịp như thể chợ Tết bên nhà. 

Đây là shop ở Bankstown

Và nhiều nhà, nhiều người cũng mang tập tục cúng rước Ông bà, đưa và rước ông Táo. Cũng có nhà vẫn còn giữ tục đốt vàng mả nhưng chỉ gọn nhẹ (có lẽ như vậy vì nhìn các đồ hàng mã shop bày bán mà đoán chứ không rõ lắm).

Gia đình tôi, thời của Nội thì cúng kiếng có nhang đèn, nhưng không đốt vàng mả, tới chúng tôi, lúc còn ở VN thì thì giữ tục cúng kiếng nhưng không thắp nhang và không đốt vàng mả.

Đây là shop ở Bankstown


Khi xa xứ, kể từ khi có mái nhà đã có cúng kiến như hồi còn ở bên Vn, dù lúc đó chợ và không khí Tết chưa nhộn nhịp như bây giờ.... nhưng vẫn giữ được lệ cúng kiến ngày Tết và mâm cúng kiến chỉ làm tượng trưng để giúp các con nhớ cội nguồn - tức là ngày 30 rước Ông Bà và ông Táo



120. MÂM NGŨ QUẢ.

 Năm nay khó chọn dưa tròn trịa.

Loay hoay lâu lắc mà mâm trái cây cứ lắc lư.

Cuối cùng, dưa, đủ đủ, xoài phải chịu phép đứng nghiêm chỉnh.


-dưa hấu ngồi trên cái tô

-trái đu đủ đứng trong cái khuôn bánh bằng sành.

-trái xoài cũng ghé lưng trên cái khuôn bánh bằng sành.

Ngũ quả hết lắc lư.


Chữ Phúc cắt ra từ bao đựng thèo lèo. (xứ xa, khó tìm ra được nơi bán chữ... hì hì... hà tiện biện hộ như vậy á)

Ghi vào đây để quý bạn tham khảo.... hì...giả bộ nói vậy để khoe ngày Tết xứ xa.


Thứ Năm, 19 tháng 1, 2023

119. THỊT CỪU NƯỚNG CHO NGÀY HỌP MẶT CUỐI NĂM.


Tối qua, cô bạn điện thoại hỏi mua thịt cừu loại nào và ướp ra sao cho không bị hôi cừu, chỉ em gấp gấp nhe. Em chuẩn bị cho BBQ họp mặt cuối năm. Có hình càng tốt nhe chị.

Bạn í nhắn trễ quá, hôm qua có món cừu nướng nhưng không có chụp hình lúc ướp thịt.


-Mua LAMB CHUM CHOP.

--Đó là phần nào của con cừu? Em không thấy bán ở tiệm thịt Á Châu. Mua ở tiệm thịt của người Lebanese.

Không biết giải thích sao cho cô bạn hiểu, nên hỏi nhà thông thái Google và chụp màn hình -Cám ơn Google.

Google đáp: "vị trí phần sườn này là ở phía mông, tiếp giáp với đùi sau"

ƯỚP THỊT: 30 phút. Nếu để 3hrs thì thịt thấm hơn (nếu thời gian ướp lâu hơn 3hrs thì phải để tủ lạnh.)

không rửa, chỉ lấy dao cạo nhẹ lớp mịn bột xương bám vào thịt lúc cưa thịt.

Vật liệu ướp thịt:

-1kg LAMB CHUM CHOP

- 1 muỗng cafe bột tỏi loại mịn nhuyễn

- 2 muỗng canh đường

- 2 muỗng canh nước mắm

- 1 muỗng cafe nước tương (nếu nhiều hơn thì thịt có màu xậm)

- 1/2 muỗng cafe muối

- 1 cây xả bằm nhuyển_ khoảng 2 muỗng canh (và dùng cán dao dầm cho giập, như vậy thịt mới thơm. Nếu dùng xả đông lạnh thì phải nhiều hơn.)

- 5 muỗng canh dầu ăn

Nướng bằng than thì ngon hết ý. Cũng có thể nướng với AIR FRY hoặc chiên.

 Tôi thích vị mặn ngọt và màu của thịt nên tôi phết thêm hổn hợp mật &dầu& nước mắm

-2 muỗng dầu ăn

- 1 muỗng mật ong

* 1 muỗng cafe nước mắm (nếu muốn mặn )

SALAD

Rocket, tomato, củ hành tím, carot, lectuce, olive ngâm dầu.

Củ hành tím xắt hơi dầy, khi ăn rưới nước sauce hay tự pha:

Chanh, muối, đường,dầu olive nếm vừa miệng > khi ăn mới trộn.

(nếu là bữa ăn thường trong gia đình thì có thể dùng thêm táo/apple và thay rocket bằng rau quế, ngò gai_ không dùng táo ở tiệc như BBQ vì táo dễ bị thâm trông không bắt mắt nếu để lâu.)


Nước chấm: Sweet chili sauce hoặc BBQ sauce. (tôi thích sweet chili sauce, còn lớp trẻ thì thích BBQ sauce)

Không biết do quen ăn nên không thấy mùi cừu hay do 'chum chop' ít mở nên chỉ biết mùi đó là mùi thịt cừu chứ không cảm thấy mùi cừu.

 Nhân ghi cho cô bạn nên gửi vào đây giới thiệu với quý bạn. Chúc quý bạn thật là vui vẻ ngày sum họp gia đình cuối năm.

Thứ Ba, 17 tháng 1, 2023

118. ĐỂ BIẾT LÀ TẾT CẬN KỀ

 - Năm nay tiễn ông Táo thật lèo tèo. Cả gói thèo lèo vậy mà dọn cúng có tí xíu.

-- Cúng mà, mọi phẩm vật dâng cúng chỉ tượng trưng để gọi là có nhớ ngày, có cúng, có biết tập tục của ngày Tết xưa.

- Mà sao không cúng cơm mà cúng thèo lèo?

-- Hổng biết, cứ thấy hồi đó Nội cúng rồi Má cúng và bên nhà dì Hai và mấy nhà lối xóm cúng đưa ông Táo bằng thèo lèo nên cứ theo đó mà cúng chứ không có thắc mắc .  Chứ nhà nhỏ bạn người Sơn Tây vào Nam năm 45 thì thấy cúng cơm và đốt vàng mã.

Nhớ hồi nhỏ, nghe dì dượng Hai cãi nhau ngày đưa ông Táo. Cúng tiễn ông Táo, ổng khấn nhà sát vách  nghe rõ mồn một. 

"Thưa ông Táo, hôm nay 23 tháng chạp, nhà con tên ...văn A ...thị B xin cúng thèo lèo, kính mời Táo quân về nhậm lễ và nhớ mang theo hết thèo lèo con  cúng để nhâm nhi trên đường về chầu Ngọc hoàng cho ngọt miệng, lời trình tấu ngọt ngào làm Ngọc Hoàng thượng đế khoái chí mà ban khen cho gia đình... văn A&thị B bỗng lộc hậu hĩ trọn năm mới."

Dì, dượng  cãi ban đầu là lời khấn có tính cà rỡn thiếu nghiêm túc của dượng và sau rốt là quan điểm. 

Dượng bảo, cúng đưa ông Táo là để:

-duy trì một tập tục tốt _ nhà nhà cố gắng làm điều tốt hạn chế làm điều sai điều xấu để được Táo quân  tấu trình tốt nhiều xấu ít.

-để biết là Tết cận kề. 

->cho nên phẩm vật cần có tính tượng trưng chứ bày mâm gà xôi, vàng mã thì như hối lộ Táo quân, tự dối gạt ..

Chứ tại ông tối ngày cứ ngồi quán cà phê không biết lo kiếm tiền nên bày đặt bài bác...

Thế là cãi nhau phù mõ từ cúng kiếng chuyển qua đề tài khác ngọt xớt.

Hì hì.. bạn kia vừa nói vừa cười; "nhà mình 23 tháng chạp tiễn ông Táo coi như nhắc nhớ để biết là Tết cận kề... để nhớ bao nỗi nhớ không tên 

Nhà này, từ lâu lắm dã quên ví sao phải cúng tiễn đưa ông Táo nhưng chưa năm nào quên cúng tiễn ông Táo ngày 23 tháng chạp. Đơn giản là để biết là Tết cận kề.

Thứ Hai, 16 tháng 1, 2023

117. Lễ hội Tết Quý Mão ở xứ xa.

Hàng năm địa phương Bankstown đều tổ chức lễ hội Tết.

Năm nay lễ hội Tết được tổ chức từ 4 giờ chiều đến 9:30pm ngày 14/1/2023.

Khu vực tổ chức là khu shop tập trung những cửa hàng Việt và Tàu nằm trên con đường có 2 nhánh tựa chữ L.

Hình 1. Vị trí đứng chụp là ở góc của con đường hình chữ L nhìn về phía phải _coi như cạnh nằm ngang của chữ L.

hình 1

hình 2: Phía này những năm trước bố trí bán thức ăn ở 2 bên  đường. Năm nay vẫn như vậy nhưng có mới hơn - ở cuối đường, một sân khấu nho nhỏ có xếp ghế ngồi hẳn hoi.
hình 2
Hình 3: vị trí đứng chụp hình vẫn là ở góc của chữ L nhìn về cạnh thẳng của con đường cong như chữ L.
hình 3
Năm nay chỉ có múa rồng, không thấy múa lân và ông Địa.
hình 4

Cũng như những năm trước,
- cũng gánh hàng hoa
hình 5
- cũng chợ hoa. Chợ hoa năm nay chỉ thấy toàn hoa Vạn Thọ (không biết ban ngày có thêm hoa Cúc & hoa Thược dược không?
Dù chỉ là 1 góc hoa, vẫn làm người xa xứ hỡi lòng, gơi nhớ những Tết của những ngày còn ở quê nhà.
hình 6
- cũng thấy đây đó tà áo dài, cũng các cô gái vui vẻ chụp hình với chợ hoa ngày Tết
hình 7
- cũng chưng bày kiễng vật bonsai, tranh Đông Hồ.
hình 8
-cũng các gian hàng tạo lại hoạt cảnh xưa nhưng mang dáng dấp nay chút xíu cho phù hợp với trẻ nhỏ ở đây.
Đặc biệt năm nay có góc biểu diễn Đàn Tranh - ngón đàn thật điêu luyện, có lúc cũng thu hút người, nhưng lễ hội nhiều tiết mục quá nên tiếng đàn có lúc lạc lỏng bởi ai cũng muốn rảo bước xem xem xem.
Quầy hàng nước mía đắt, người xếp hàng dài dài.

-cũng cụ Đồ "bày mực Tàu giấy đỏ, trên phố đông người qua" _ thơ Vũ Đinh Liên. 
Cụ Đồ tóc bạc năm cũ nay không thấy. Năm cụ Đồ trẻ hơn, có gian hàng hẳn hoi chứ không ngồi xổm như kiểu ông Đồ của mấy năm trước đây, cũng đông người ghé mua chữ nhưng chữ kiểu thư pháp là chính.
hình 9
Điểm mới của lễ hội Tết năm nay
-có văn nghệ.
-có những tiết mục biểu thị tính cách Đa văn hóa ở xứ sở này.
Hình 10 là cảnh một người Thổ dân, bưng mẻ lá ung khói. Có lẽ là một nghi thức chúc phúc.
hình 10
Văn nghệ kết hợp nhưng nhiều tiêt mục là nhạc vũ tiếng Trung quốc

hình 11
Có 2 tiết mục Việt Nam. Không hiểu sao mà MC giới thiệu màn vũ Trống cơm, vũ công Việt Nam đã bước ra dàn sẵn, chỉ chờ nhạc trổi lên là diễn nhưng nhạc không trổi lên mà là đoàn vũ công TQ tiến lên sân khấu, nhạc trỗi lên, các vũ công TQ múa không qua lời giới thiệu.
Lần thứ 2, MC giới thiệu màn vũ Trống cơm... hic... tình huống xảy ra như lần trước... vũ công TQ xuất hiện và nhạc trỗi lên, họ diễn.
Cứ thế, các tiết mục của người TQ diễn liên tiếp cho đến hết thời lượng của hồi 1. 
Sau đó sân khấu cho nghỉ giải lao 20 phút và mở đầu hồi 2 vẫn là tiết mục của người TQ rồi mới đến tiết mục Trống cơm của Việt Nam.
NHƯNG tiết mục sôi động và hấp dẫn, lôi cuốn nhất là tiết muc của người Cook Island.

Sau khi kết thúc các tiết mục chính (dường như khoảng 7:30pm) là lúc các vị đại diện của Úc chúc Tết.
Ghi nhận:
-Sự tập trung đông đúc và có các quan chức cao cấp (có ông Bộ trưởng) đến dự  nhưng không thấy ông cảnh sát nào... Mấy ổng đến như một người đi lễ hội, chả có màn đón rước long trọng và trịnh trọng giới thiệu.
-Các vị 'tai to, mặt lớn ấy' đến dự như một người dân đi lễ hội. Họ kiên nhẫn ngồi xem cho đến cuối mới đọc diễn văn... 
-Con đường hẹp, người đông đúc nhưng hầu như mọi người đểu giữ đúng mực, buổi lễ diễn ra thật an bình và vui vẻ.

Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2023

116. BÁNH KHỌT XỨ XA.

Chuyện vui làm bánh khọt ở xứ không có khuôn bánh khọt.

 Lâu nay nhớ bánh khọt nhưng không có khuôn nên chỉ được phép nhớ chớ không được ăn..

Tuần rồi vào shop, gói bột bánh khọt Vĩnh Thuận như có lực hút.... thế là mua.

Trong tâm trạng bồi hồi nhớ hồi đó bên quê nhà nên đọc hướng dẫn ẩu ẩu để mau mau cắt gói bột..

Trút gói bột ra tô.

Ủa! Cẩm nang ghi "... sau đó trút gói bột nghệ và hành lá xắt nhỏ bỏ vô tô.

Ái chà! gói bột nghệ, gói hành lá đâu cà?

Lấy cái nĩa vít vít kiếm một hồi thì ra gói bột nghệ để lẫn trong bột. Thế còn hành lá đâu?

Lại vít kiếm gói hành lá....

Hic... không thấy...

Phải đọc thật chậm mấy lần cẩm nag mới ngộ ra là hành lá của mình chứ không có trong gói bột. Vậy mà cứ tưởng hành lá xấy khô nên tìm cái bao đựnh hành.

Bạn cùng nhà hỏi khuôn đâu?... làm sao đổ bánh.

Đưa cái chảo nhỏ dùng để chiên trứng lên.

Chàng nói, bánh khọt phải có nắp đậy thì bánh mới chín.

Ậy! Ậy! Anh biến đi, 30 phút sau trở lại là có bánh ăn.


Cái chảo nhỏ xíu. Cái nắp nồi nhỏ nhất vẫn to hơn miệng chảo.

Không hề chi. lấy cái vá dằn lên trên cho không bị hở.

Đây là cái bánh thứ ba. Có rút kinh nghiệm là phi hành >xào tép & thịt vừa chín để đó, khi bột vừa sệt lại thì để nhưn tép thịt lên.

Cái sai là để nước cốt dừa lên giữa bánh trước khi để nhưn thịt.

Đây là 3 bánh sau cùng, bột hơi khô.

Bánh mới miệng, ăn nóng ... ôi thôi là ngon. Không ai càm ràm cái bánh không giống cái bánh khọt. Mấy mươi năm nay mới được ăn bánh khọt.

Nên ai cũng nói ngon quá ngon quá... đầu bếp khoái ghê. 

Các bạn xa xứ, thử làm bánh khọt kiểu của tui đi, Cái chảo lớn hơn cái bánh ở khuôn bánh khọt nên rút ngắn thời gian, nên vừa ăn vừa đổ bánh... thời gian chờ bánh chín là khoảng thời gian ôn lại những kỷ niệm xưa.


115. GIÂM LÁ Tử Linh Lan TRONG ĐẤT.

Tử Linh Lan - African Violet, 

- cây thuộc loài thân thảo sống lâu năm. (trên 5 -10 năm và có thể hơn nữa nếu biết cách chăm sóc - tôi sẽ tìm hiểu và ghi lại khi tôi biết ) 

- nở hoa quanh năm nếu được chăm sóc tốt. 

- nhân giống bằng cách gieo hạt hay cách giâm lá. 

Giâm lá có 2 cách _giâm lá vào nước hay giâm lá vào đất. 

CÁCH GIÂM LÁ Tử Linh Lan VÀO ĐẤT

Tôi chưa biết mùa nào là thuận lợi cho việc giâm lá  Tôi giâm lá vào thời điểm Tử Linh Lan ra hoa như hình 1, lúc mùa Hè nơi tôi ở. 

hình 1

- soi lỗ thoát nước  vĩ đựng trứng và vỏ trứng gà 
hình 2
- đất là potting mix (đất có pha trộn các chất ủ hữu cơ và phân bón tan chậm như trong hình in trên bao bì.)
hình 3
Những chiếc lá tách ra từ lớp lá tách từ gốc _do đã có nhiều lần tách lá ra để giâm nên lần này dù các lá tách ra nói là từ gốc nhưng các lá không quá già _ (lá có màu ngả vàng là lá gần già.)
hình 4
- cắt bớt cuống lá, vạt xéo tạo góc 45 độ (đường ngắn ở phía mặt trên của lá, đường dài le ra thì ở phía mặt sau của lá)_chỉ còn khoảng 3cm như hình 5
hình 5
- đặt vĩ đựng đất vào trong vĩ không thoát nước,
- làm ướt đẫm đất, dùng cây xoi vào đất rồi cắm ngập cuống lá vào đất, các lá hơi xiên như trong hình 6. nén đất cho dẻ để tránh lay động lá.
(xoi đất trước khi cắm lá vào là để tránh tổn thương vết cắt ở cuống lá)
- tưới nước ngập 1/2 của vĩ chứa.
- đặt ở ngoài sân, nơi ánh sáng không chiếu trực tiếp (không bao nilon)

hình 6 
KÉT QUẢ
Lúc được 54 ngày, sau mấy ngày mưa, _ 1 lá mọc 2 mầm, 1 lá biến mất, chắc giọt mưa làm lá văng mất tiêu. Không có lá nào bị hỏng.
Hình chụp sau mấy ngày mưa, nước đầy vỉ chứa, phải chắt gần hết nước trong vĩ.

Sau 57 ngày, tình trạng các lá tốt không bị úng bởi bị mưa ướt. Đã thấy rõ đâu là những lá già nhất.

 Mầm có vẻ to hơn trước. 



Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...