Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2024

TRỒNG và CHĂM SÓC CÂY ĐỖ QUYÊN.

 Xin gửi lời cám ơn những người bạn về những chỉ dẫn cách trồng & chăm sóc cây bông Đỗ Quyên mà tôi tổng hợp dưới đây.

Tổng hợp những chỉ dẫn:

VỊ TRÍ: Bất kỳ cây cảnh nào chọn vị trí trồng là điều cần quan tâm. Cây Đỗ Quyên cũng vậy nhưng phải biết cây Đỗ Quyên đó thuộc loại nào.

Có tới mấy loại bông Đỗ Quyên: Có loại thích hợp với nơi có nhiều nắng, có loại chỉ cần 1 phần nắng. Cây bán ở các vườn ương thường có kèm theo nhãn với mặt trước là tên của cây cùng biểu tượng để chỉ nhìn vào là biết cây thích hợp với 1 phần bóng râm (tôi vễ vòng tròn màu đỏ cho dễ thấy). Mặt sau ghi tốm tắt cách trồng.

Ghi chép này  ghi về cây Đỗ Quyên thích vị trí ngoài trời nơi có bóng râm một phần và trồng trong chậu.

Loại Đỗ Quyên này có bộ rễ nông, dễ bị tổn thương nếu bị đặt chậu nơi nhiều nắng, nóng. Và nó cũng không chịu đựng sương giá và mùa Đông quá lạnh dưới 7°C (phải đem vào nhà, nơi có nhiệt độ khoảng 13°C vào để tránh sương & gió lạnh và để cây Đỗ Quyên có thể ngủ Đông.)

Nhiều nắng hay nhiều mưa đều làm ảnh hưởng đến bông.

YÊU CẦU VỀ NƯỚC

Việc sử dụng nước cũng rất quan trọng.

+ Đỗ Quyên cần được tưới nước thường xuyên nên chất trồng cần đảm bảo đất thoát nước thật tốt để tránh bị thúi rễ nếu bị ngâm trong nước trong thời gian dài. 

+ Trong những tháng mùa Đông, cây Đỗ Quyên cần tưới ít nước hơn  ĐỂ cây KHÔNG bị khô NƯỚC hoàn toàn. 

+ Luôn cần giữ ẩm cho cây bất kỳ thời tiết nào. Tốt nhất là tưới nước cho cây Đỗ Quyên ít nhất một lần một ngày trong suốt thời điểm cây phát triển. Giữ đất ẩm nhưng không  nước để có kết quả tốt nhất.

+NÊN TƯỚI bằng nước mưa. vì nước mưa có độ pH trung tính

Không bao giờ để đất khô hoàn toàn mà hãy để đất khô một chút giữa các lần tưới. 

Kiểm soát đất bằng cách: Dùng ngón tay ấn sâu vào đất khoảng 1inc/ 25mm nếu thấy đất khô thì tưới.

ĐẤT & BÓN PHÂN

Đất: cần đất thoát nước tốt, giàu axit hữu cơ. Tôi chưa biết cách pha trộn và cũng không có dụng cụ để thử độ pH của đất nên mua đất loại dành cho các loại cây: Gardenia/ cây Dành Dành, Camellia/ cây Trà, Azalea/ cây Đỗ Quyên. 

Phân bón: Chọn loại phân bón dành riêng cho các loại cây ưa axit như đỗ quyên, cây dành dành và hoa trà để tránh khả năng bị cháy do dùng phân bón thông thường. Ký hiệu (9-2-7-12) là viết tắt cho (N-P-K-S) _N=Nitrogen; P=Phosphorus; K= Potassium ; Sulfur as Sulfate.

NGỪNG bón phân cho cây hoặc chỉ sử dụng một nửa liều lượng bình thường khi cây bắt đầu ra bông, Bón phân trong thời kỳ cây đang ra bông sẽ khiến cây Đỗ Quyên ngừng nở bông để nhường chỗ cho sự phát triển của lá. 

Bón phân sau khi dứt mùa nở rộ bông và bón lại vào cuối mùa Hè/ đầu mùa Thu cho những cây trồng trong sân vườn.

Cây bông Đỗ Quyên trong chậu có thể bón phân lỏng /  Liquid azalea fertilizers hai tuần một lần vào mùa xuân, mùa hè và mùa thu để chúng phát triển tốt. Có thể mỗi tuần 1 lần vì phân bón sẽ bị trôi bởi cây được tưới nước thường xuyên.


CẮT TỈA CÂY

Cây Đỗ Quyên phát triển rất tốt khi được cắt tỉa khá nhiều, chúng thậm chí sẽ mọc ra những chồi mới từ những cành không còn lá trên đó. Điều này giúp dễ dàng tạo dáng cho cây theo ý .

Cần tỉa những cành ở phía dưới nhiều hơn những cành ở phía trên.

[các nhánh phía dưới của cây Đỗ Quyên phát triển mạnh hơn các nhánh yếu hơn ở phía trên.

Sau khi bị cắt bớt phần ở ngọn để tạo táng tròn thấp, 

thì có nhiều chồi mới mợc ở gốc và có cành mọc vượt lên cao. 

Cây này đã cắt tạo tán 1 lần, sau đó đã mọc nhiều nhánh ở gốc, có cành vượt lên cao, cành cao này sẽ bị cắt bỏ theo ý tạo tán tròn.

Thời điểm tốt nhất để tỉa cây là sau khi hết chu kỳ nở bông. Cắt bỏ những bông hoa héo và bầu nhụy. Nhớ chừa chồi mới ở nơi muốn có nhánh mới phát triển. (tôi đã sai khi thay chậu vào lúc cây đang có nhiều nụ. 232. THAY CHẬU CHO HOA ĐỔ QUYÊN TRONG MÙA THU.)

Bông đã rụng còn lại chân gốc và vòi nhụy. 

Loại bỏ tất cả những bông tàn tới tận chân gốc của cái bông để ngăn việc đậu trái &khuyến khích sự phát triển của lá sau khi ra bông. Nếu muốn tạo dáng cho cây Đỗ Quyên thì tỉa vào thời điểm này. Sau đó sẽ có những chồi mới. Sẽ cắt tỉa bỏ những chồi không muốn vào giữa mùa Hè.

Nếu cần tạo dáng thật nhiều, tốt nhất nên thực hiện vào mùa xuân. Làm như vậy sẽ ngăn cản sự ra bông trong mùa này, nhưng về lâu dài nó sẽ giúp cho cây mạnh mẻ hơn vào mùa kế tiếp.

Thay chậu 

Cũng có thể thay chậu trước khi cây ra bông, NHƯNG phải loại bỏ nụ bông để tránh gây thêm căng thẳng cho cây Đỗ Quyên sau khi được thay chậu.

Thời gian thay chậu cũng là thời điểm tốt nhất để thực hiện công việc bảo trì bộ rễ.

Cây Đỗ Quyên có rễ nhánh mỏng len lỏi vào nhau nên cần phải hết sức cẩn thận để không làm hỏng quá nhiều rễ cây này trong khi gỡ chúng ra.

Cây Đỗ Quyên có thể chịu được việc cắt tỉa rễ nhiều nhưng cũng không nên gây căng thẳng cho cây một cách không cần thiết.

Đây là 1 gợi ý về việc cắt bỏ bớt bầu rễ trong mỗi lần thay chậu: không cắt ngang mà cắt vát xéo

> Cắt một hình nón vào phần dưới của bầu đất kéo dài khoảng 1/3 phần đất của chậu cây. Điều này sẽ giúp tạo khoảng rộng để chứa đất mới và cũng  ngăn ngừa thúi rễ do thiếu không khí vì rễ mọc rất gần nhau nên hay gây ra hiện tượng thoát nước kém.

Lưu ý:

- Cây Đỗ Quyên yêu cầu đất không có vôi.

- Sau khi thay chậu, nên đặt cây ở nơi râm mát ít nhất một tuần để cây phục hồi. PHẢI tưới nước thật kỹ cho cây và ngăn cây nở bông trong năm đầu tiên sau khi thay chậu để giảm bớt căng thẳng cho cây.

Cây đỗ quyên bị rụng lá

Cây Đỗ Quyên được sử dụng làm cây cảnh hầu hết là loại thường xanh/ evergreen azalea (giữ màu xanh suốt mùa đông), Nếu là cây giữ màu xanh suốt mùa Đông thì việc rụng nhiều lá là bất thường. Hãy xem lại việc tưới nước (dư nước hoặc thiếu nước ), nơi đặt chậu cây /cây thiếu nắng, độ pH của đất không phù hợp.



Thứ Năm, 25 tháng 4, 2024

232. THAY CHẬU CHO HOA ĐỖ QUYÊN TRONG MÙA THU.

 Vừa vào mùa Thu tự dưng siêng nên thay chậu cho cây bông Đỗ Quyên/ Azalea. Lúc thay chậu thì đã thấy có nhiều nụ bông, đã có 1 bông nở. Dù vậy vẫn cố thay chậu.

Đây là chậu đã thay mới, đã tạo hình, 

quên chụp hình tình trạng bù xù ban đầu

Chậu mới này có 1 chỗ thoát nước nằm ở giữa đáy chậu và đặc biệt điểm để thoát nước như một hình trụ cao khoảng 1cm, do đó phần đáy chậu có phần đất bị giữ nước cao 2cm. Chậu rộng hơn chậu cũ khoảng 3cm nhưng ngắn hơn chậu cũ.
Đây là 1 chậu khác cũng thay chậu cùng ngày.
Chụp hình để so sánh chậu mới và chậu cũ
Vẫn để y tình trạng ban đầu lúc chụp hình.
Chậu chưa có nụ bông nào.
*Chậu nhỏ đặc biệt này giá 60 cents, mua ở Nhi Phan nursery, 62 Canley Vale Rd- Canley Vale, NSW 2166.  Ở đó có nhiều loại chậu rất phù hợp nhu cầu trồng bông hay cây ăn trái mà giá cả không cao lắm, có một số chậu chuyên trồng vài loại cây mà Bunnings nơi tôi hay đến không thấy bán. (đây chỉ là mách cho quý bạn thích trồng trọt chứ shop Nhi Phan không hề biết việc tôi gõ giới thiệu và dĩ nhiên là tôi không có nhận huê hồng hay được giảm giá gì hết á nha... xin đừng hiểu lầm).Ở Bunnings không thấy bán kiểu chậu này.

Do chậu mới thấp hơn chậu cũ nên phải cắt bớt phần đất ở đáy chậu và cạo nhẹ nhẹ cho lớp đất cũ bong ra. Rất khó lấy đất cũ vì rễ của nó tuy nhỏ rức & mềm như bông nhưng bết lại rất khó gở ra.


Đất lèn vô khoảng trống trong chậu mới là dùng lại đất cạo ra từ chậu cũ rồi trộn với đất chuyên trồng Azalea.

Tới nay cây vẫn nở bông như chưa hề bị thay chậu. Dù vậy vẫn băn khoăn quá _ CÓ SAI LẦM KHÔNG KHI THAY CHẬU CHO CÂY AZALEA VÀO MÙA THU?
Quý bạn có kinh nghiệm gì xin chỉ dùm nhen. Cám ơn lắm lắm.

Tôi đã tổng hợp những chỉ dẫn mà tôi vừa học ở đây: TRỒNG và CHĂM SÓC CÂY ĐỖ QUYÊN.

----

Trong đầu cứ in trí lý thuyết đọc ở đâu đó trên Google lâu lắm:

_ Mùa Thu là thời điểm thay đổi của nhiều loài thực vật, khi chúng bắt đầu chuẩn bị cho giấc ngủ mùa Đông. Đây có thể là thời điểm tốt để thay chậu cho cây vì chúng ít có khả năng bị căng thẳng do quá trình thay chậu NHƯNG CẦN LƯU Ý:

+ Thời điểm tốt nhất để thay chậu cho cây phụ thuộc vào loại cây và sau  bông.

+ Việc thay chậu cần đảm bảo 

> chậu có kích thước phù hợp (không quá lớn hay quá nhỏ với kích thước chậu của cây đang sống)

>> chất trồng phù hợp và thoát nước tốt (có độ pH tương ứng)

>>> phải nhẹ nhàng khi lấy cây ra khỏi chậu và lúc cào xới bỏ đất cũ.

>>>> tưới nước đầy đủ cho cây sau khi thay chậu.

---

Thực tế cây Đỗ Quyên ở nhà thì lúc nào cũng thấy dù chỉ là 1 hoặc 2 bông. Vậy thì thời điểm nào gọi là thời điểm hết bông để có thể thay chậu cho cây bông Đỗ Quyên? Và có nên thay chậu cho Đỗ Quyên vào mùa Thu, vào thời điểm cây Đỗ Quyên đang có nhiều nụ bông?







Thứ Tư, 24 tháng 4, 2024

231. TRỒNG BÔNG SÚNG _ĐIỀU CẦN BIẾT


Đây là bông súng, 

CÓ NƠI gọi là hoa súng _ tôi sẽ dùng cách gọi của quê tôi BÔNG SÚNG để tìm lại kỷ niệm cũ.

Hôm nay tôi chép vào đây những gì tôi ghi cho người đang chuẩn bị trồng bông súng*./ hoa súng mà tôi vừa làm quen. Và cũng là thực hiện lời hứa với bạn blog hôm trước 

Những điều ghi có được này là những ghi nhận qua việc trồng bông súng trong mấy năm qua.

[*miệt tôi ở dùng chữ bông đứng trước tên các loại bông. Ví dụ; bông sen, bông súng, bông hồng,...]

TRỒNG BÔNG SÚNG - NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT.

1/ Đọc kỹ nhản  trước khi mua: để biết loại bông súng ấy thuộc loại nào để chọn loại thích hợp với điều kiện trồng của mình, đúng với sở thích của mình.

- loại nở trong đêm hay nở ban ngày hoặc chỉ nở vào mùa hè hay nở quanh năm.

- loại không thích hợp với thời tiết lạnh (cây nhiệt đới hay cây cận nhiệt đới hay ôn đới )

- loại cần chậu lớn hay nhỏ, cần trồng cạn hay sâu. (để biết mà chọn chậu trồng cho phù hợp) 

Tốt nhất là mua cây giống ở các vườn ương cây gần khu vực đang ở vì người bán đã chọn các loại phù hợp với thổ nhưỡng hay thời tiết ở nơi đó.

Còn nếu xin của ai thì hãy hỏi người cho về độ sâu cần có của cây bông súng đó.

2/ Đất trồng và phân bón:

- Nên

a/ chọn đất trong sân vườn vì đất này khi gặp nước sẽ chuyển thành lớp bùn mịn - đó là thứ mà cây bông súng cần.

Nếu không có đất trong sân vườn thì dùng Potting Mix loại tốt.

b/ dùng phân gia súc như: phân bò, phân cừu. 

- Tránh

- Tránh dùng potting mix vì potting mix nhẹ và rất chậm phân hủy thành bùn mịn.

- Tránh dùng phân gia cầm như: phân gà... vì phân gà chưa thật sự hoai mục rất nóng có thể làm tổn thương rể và dường như chậm thấy tác dụng hơn là với phân bò.

- Bón phân vào đầu mùa sinh trưởng hàng năm tức là khi cây bông súng bắt đầu mọc lại sau thời kỳ 'ngủ đông' để cây phát triển và ra hoa tốt.

3/ Chậu trồng: ở đây tôi chỉ trồng cây bông súng trong chậu nên chỉ ghi nhận về bông súng trồng trong chậu. Tôi trồng trong các xô đựng nước 30cm đường kính rồi xếp xen kẻ với các chậu khác xếp dài theo lối đi, khi có bông thì nhìn cảnh quan rất vui mắt.

Tốt nhất nên trồng bông súng trong chậu 20-30cm rồi đặt chậu ấy vào trong chậu to hơn.

Tôi đã trồng cây bông súng theo kiểu này_ trồng trong chậu nhỏ, xấu xí, rồi đặt chậu ấy vào chậu lớn hơn/ chậu đẹp. Và thường là tôi chỉ trồng trong chậu có đường kính 20-25c, rồi đặt vào chậu không thoát nước lớn hơn nó và có độ sâu sâu hơn chậu đang trồng cây bông súng.

Nếu dùng chậu thoát nước thì phải lót 1 vài tờ báo vào đáy chậu để đất không rỉ ra ngoài chậu chứa nó.

4/ Trồng:

Giữ thân & rễ hoa súng ở giữa chậu đã để đất trong sân vườn vào khoảng 3/4 của chậu (không dùng potting mix)

Đặt củ của cây hoa súng nằm hơi chếch ngọn /lên sao cho phần ngọn phải cao hơn mặt đất trong chậu

Phủ lớp đất có trộn sỏi hay đất sét dầy khoảng 2-3cm lên trên nhưng không ngập ngọn của cây bông súng.

5/ Tưới:

Đối với cây mới trồng thì tưới nhẹ nhàng cho không xáo trộn/ trôi lớp đất phủ. 

Chờ cho đất lắng xuống thì nhẹ nhàng đặt chậu vào thùng chứa đã có nước đủ để khi có chậu bông súng thì mực nước ở trên mặt chậu ít nhất là 30cm ( nếu là loại cây bông súng thích hợp với độ sâu 30cm, nói chung phải đọc kỹ xem cây bống súng thuộc loại trồng sâu hay cạn)

6/ Vị trí đặt chậu bông súng:

 phải là nơi nhận nắng ít nhất 6 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Nắng làm cho cây bông súng cứng cáp, ra hoa nhiều.

7/ Bón phân: Dynamic Lifter hoặc Blood and Bones, NPK loại tan chậm.

Cây bông súng rất "háo ăn" nên rất cần phân bón để nó có đủ chất dinh dưỡng mà ra bông.

- Đối với cây trồng hoặc cây mới trồng lại: 

Vài ngày sau khi trồng, rải 1 muỗng cafe Dynamic Lifter hoặc Blood & Bones. Sau 2 tuần thì bón:

Cứ mỗi 2 tuần thì bón 1 muỗng cafe NPK và 1 muỗng cafe Dynamic Lifter hay phân chuồng hoai múc

Sau 1 tháng 30 ngày thì chỉ rải NPK với chỉ số N thấp K cao sau mỗi 2 tuần. Mỗi lần rải 1 muỗng cafe.

Luôn giữ mục nước sao cho chậu bông súng luôn ở độ sâu tối thiểu là 30cm.

- Đối với cây vừa 'thức dậy'_tức là cây vừa mọc lại lá sau 3 tháng trụi lá bởi mùa Đông/ mùa cây ngủ:

Chờ khi cây bông súng mọc được 3 lá thì bón Dynamic Lifter trong 2 tuần đầu > mỗi tuần sau đó thì bón Dynamic Lifter hay Blood & Bones + NPK loại có chỉ số K cao >> khi thấy lá phát triển nhiều và tốt thì ngưng bón Dynamic Lifter, chỉ bón NPK.

- Đến mùa Thu và mùa Đông là ngưng bón phân. Đó là mùa cây ngủ. Cây bông súng sẽ gần như trụi lá, dù vậy nó vẫn không chết, nó chỉ ngủ và sẽ thức dậy khi sắp sang mùa Xuân.


8/ Lưu ý:

Bông súng không thích hợp trồng nơi có vòi phun nước, nơi mặt nước bị xáo trộn. Bông súng cần mặt nước phẳng lặng.

- Dấu hiệu biết cây bông đang cần bón phân: lá bỗng nhỏ lại, ít bông dù đang là mùa hè (mùa ra bông). Hãy bón 1 muỗng cafe NPK chậm tan, loại có N cao và P thấp. Tôi rắc đều vòng quanh chậu.

- Dấu hiệu biết cây thừa đạm: cọng lá cứng và mọc cao dài vươn thẳng lên nhưng không có bông. Hãy stop bón Dynamic Lifter hoặc Blood & Bones, chỉ bón NPK loại có chỉ số N cao, P thấp.

Mong rằng ghi chép này có chút cần thiết cho quý bạn chưa từng trồng bông súng.

Tôi sẽ ghi tiếp những gì tôi biết về việc trồng bông súng.

====

Hôm nay thứ 4 ngày 24 tháng 4 năm 2024_ có sự trùng hợp các con số  4 và 24.

Thứ Ba, 23 tháng 4, 2024

230. CHUYỆN ĐỐN CHUỐI

-" Bây giờ mình đi đốn chuối để đi qua nhà Thầy Cô cho sớm."

Tôi vội dẹp blog chạy vội theo vừa kịp thấy cái kéo kê sát cái bắp chuối (tôi người miệt Hậu Giang nên kêu cái bông chuối là 'bắp chuối' chứ không kêu là 'hoa chuối'.)

-- "Í! khoan cắt anh ơi, chờ em tém dẹp cái hậu cảnh để chụp hình."

Cụt hứng, bạn kia lầu bầu: "chụp hình thì có sao chụp vậy, bày đặt dọn dẹp chi cho mất công ... chờ"

(đến tối mới dám khoe hình chụp, bản khen hậu cảnh sau khi dọn dẹp vô hình thấy sạch sẽ-nghe mà mát ruột)

Nói xong bản buông kéo đi nhổ cỏ, chắc là quạu rồi nên chẳng thèm giúp 1 tay để xếp mấy cái thùng xốp cho gọn. Mấy cái thùng xốp cũng đồng hè theo phe mạnh nên cái thì nặng, cái thì bị cây chuối con chui qua làm cứng ngắt kéo không lên.... vậy mà lì hong thèm mượn bạn kia giúp.

-- "anh ơi, bây giờ đốn chuối được rồi đó."

Cái kéo lại lia đứt cái bắp chuối.

-- "Í! khoan chưa nấu canh, để cắt mấy nải chuối xong rồi .." chưa dứt câu thì con dao đã giá lên quài chuối.

-- " Í! đừng đốn nguyên quài chuối (nhà của chúng tôi không gọi là buồng chuối mà gọi là quài chuối).

Em muốn cắt từ nải và chừa các nải ở trên cùng lại để đem cho Thầy Cô (người đã cho chúng tôi giống "chuối và" (đây là từ anh xả thấy trên tự điển online, chứ tôi cứ kêu là "chuối già" và viết là chuối già.)

Thế là lại giận, lại quạu tiếp.

- " Thì đốn nguyên quài xuống rồi cắt ra từng nải để lựa nải tốt đem cho"

--" em thấy cứ để nguyên quài chuối trên cây rồi cắt từ từ lên lần lên  trên, như vậy khi cắt nải chuối thì  mình khỏi mất công vịn hay nương tay cho trái chuối không bị trầy trụa. Đúng là chuối già lùn nên cây không cao, đứng dưới đất là có thể cắt lần lượt từng nải chuối dễ dàng, nhẹ nhàng hơn là đốn nguyên quài xuống rồi mới cắt.

Và mình cắt tới đây là dừng lại để đốn phần còn lại"

- "trước sau gì cũng phải đốn nguyên quài, Tại sao không cắt rời các nải chuối định cho Thầy Cô ra?

--" Không cắt ra để chuối không chín 1 lượt. Thầy Cô cần ăn bao nhiêu thì cắt vì có 2 người sợ chuối chín ăn không kịp"

Quài chuối được đốn trong nét mặt khó đăm đăm.

---

- " Cắt xuống mới thấy nó bự thấy mà ham. Í là có 3 nải mà nặng ghê. Nhìn mấy nải chuối thấy khoái quá." _ chồng nói trong sởi lởi vui vẻ.

-- "Vậy mà hồi nãy giận em."

- "nói nhiều quá nghe mệt lỗ tai"

Ôi cái giọng cười rổn rảng, cái mặt sáng rực, cái chữ khoái quá nghe sao mà ngọt ngào.

Vậy đó, người già nhà này chuyện gì cũng chỏi nhau, nhưng mau vui trở lại. Y như con nít.


229. KHOẢNG CÁCH...

 KHOẢNG CÁCH NGỠ DÀI...

... NHƯNG QUÁ NGẮN.

Ngày có 24 giờ, chờ đợi một ai đó hay mong ngóng một tin tức về ai đó thì thấy 24 giờ dài quá NHƯNG chỉ vài chớp mắt thì hừng đông trông chưa rõ cảnh vật đã đầy nắng; chưa xong công việc nhà thì đã chạng vạng tối; giấc ngủ chưa kịp sâu thì đã ngày mới đã đến.

Một năm có 365 ngày, con số 365 cho thấy số ngày trong năm quả là dài. Ấy vậy mà ngắn, vì:

_chưa ngắm đủ hoa Xuân thì Hạ đã đến;

 _cái nóng hầm hập chưa bao lâu đã cảm thấy chút se se lạnh len trong gió- mùa Thu tới;

_có cây chưa kịp trút hết những chiếc lá vàng khô, chưa được tận hưởng cảm giác sảng khoái khi đứng trong nắng buổi trưa để cảm thấy làn gió Thu man mát lạnh phả vào mặt ... mới 5 giờ mà đường lên đèn-trời đã sang Đông,

_áo bông áo kép, khăn quàng kín cổ chẳng bao lâu thì đã đã thấy những búp nụ xanh xanh trên những cành trơ lá. Hoa thi đua nở, đàn ong bướm rập rờn, đây đó ngập hương hoa. - mùa Đông đã tàn, Xuân đang hiện diện.

_chưa quên cái náo nhiệt của chợ đêm 30 Tết thì gió chướng đã về- một cái Tết lại tới.

Ba trăm sáu mươi lăm ngày cứ ngỡ dài nhưng quá ngắn.

_Mới ngày nào vui mừng đón cháu chào đời, cười thật to khi ngắm cháu vụng về thổi nến sinh nhật 10 tuổi; rồi chẳng mấy chốc lại mừng cháu chạm tuổi 20; để rồi chợt nhìn lại đời mình từ sau tuổi 20.

_ Chỉ mới nhìn bàn tay nhăn nheo co rúm & cái dáng đi lom khom của tuổi 70 đã thấy cuộc đời sao quá ngắn _chưa hoàn thành những ước mơ & chưa kịp... chưa kịp... chưa kịp thực hiện những việc muốn làm như thêu may, vẽ vời hay đi du lịch đó đây mà những năm tháng bận rộn chưa thể thực hiện thì tuổi già đã đến -đời người sắp kết thúc.

Bảy mươi năm thấy quá dài nhưng thật ra quá ngắn, 

-ngắn tới mức chưa kịp thu những năm tháng đẹp vào mắt thì mắt đã kèm nhèm; tai đã nghễnh ngãng, răng đã lung lay; bước đi xiêu vẹo; nhiệt tình, mơ ước đã vơi & bi quan tiếp nối bi quan.

KHOẢNG CÁCH NGỠ GẦN....

.... NHƯNG QUÁ XA

Vậy đó, chúng ta dù bận rộn đến đâu, dù hoài bảo có căng trào nhưng có lẽ cũng nên ưu tiên xếp cho mình đôi ba phút dành riêng cho cuộc sống của bản thân & cho gia đình và cho cả tình vợ chồng. Vì dù ở bất cứ tuổi đời nào ở bất cứ là ai, ở bất kỳ địa vị nào/ cảnh sống nào thì ai ai cũng cần có những phút giây cảm nhận cuộc sống của mình không tẻ nhạt và không đáng sống... 


... để những ngày về già không lãng bảng trong đầu mấy chữ PHẢI CHI HỒI ĐÓ... 

... để không tiếc rẻ thời gian qua đã dùng chưa được thích hợp

... để khi nhìn những đứa cháu được con mình chăm chút mới thấy mình chưa làm được như chúng lúc chúng còn bé, khi chúng còn sống cùng mái nhà.

... để khi người phối ngẫu qua đời mới giật mình rằng từ lâu lắm đã bỏ quên người ấy.

===

Tôi vừa viết tiếp chuyện của tôi _người già.

Bạn có đồng cảm với cảm nghĩ của tôi không? 

Ta bắt đầu trở lại ngày còn trẻ nhé!.... KHÔNG... ta không thể xoay ngược thời gian để trẻ lại ... NHƯNG ta có thể bắt đầu lại với những suy nghĩ mới tích cực và thiết thực hơn những ngày đã qua của ta phải không bạn?

Thứ Hai, 22 tháng 4, 2024

228. MUA CÂY BÔNG SÚNG

 Viết tiếp chuyện của tôi _ Người già, thích được mua những món quen thuộc tỉ như con nít khoái được mua kẹo bánh.

***

Ngày nọ, chồng nói "hôm nay tui đi Bunnings mua sỏi và gạch về lót bên hiên nhà cho bà đi khỏi bị té". Thế là 'đứa trẻ tóc bạc' lại kèo nài xin được đi theo... nhưng lần này không có hứa là 'chỉ ngắm, không mua'.

Ông chồng biết tỏng điểm đến của vợ ở Bunnings là khu vực bán hoa kiểng.


- "lại mua bông súng, Nhà đã có nhiều ..." _ chồng nhắc nhở khi thấy vợ bê 2 chậu bông súng trên tay.

-- " rẻ lắm anh ơi", mấy năm trước Thầy Cô mua 1 chậu $25

- "như vầy biết trồng có sống không mà mua"

-- "vẫn sống" _ tôi tự tin trả lời vì đã thấy sức sống của cây bông súng màu vàng. (tôi đã có ghi trong bài 222.   BÔNG SÚNG_SỨC SỐNG MÃNH LIỆT

- "ừ, mà rẻ thiệt, bán $5-kiểu như cho không, chỉ sợ trồng không sống"

-- " phải biết anh không càm ràm là hồi nảy em rinh luôn chậu còn lại bông màu hồng đậm"

Trên đường về tôi cứ tiếc hoài.... phải chi... phải chi... thiệt đúng là con nít thấy kẹo bánh là mê tít thò lò, bao nhiêu cũng vẫn thấy còn ít, còn thiếu.

Về tới nhà mở 2 chậu bông súng ra ngắm nghía trong vui vẻ thì 'niềm vui vẻ bị rớt cái oạch' sau khi đọc nhản bông LIGHT Pink  _đây là loại cây bông súng có kích cỡ to , đòi hỏi chậu trồng lớn và sâu. 

Vậy là phải mua cái chậu to. Vậy là phải phải xin chở đi mua chậu.
Đúng là ham có cây bông mà giá ban đầu là $27.98 tức là 28 đồng mà chỉ mua có 5 đồng... mà quên là tiền mua cái chậu cũng không rẻ.

Vậy là phải chọn chỗ để chậu bông súng ở đâu cho không bị càm ràm rằng cản lối đi... rằng hầm bà lằng lời của người ít khoái đổ công sức vào việc trồng bông.... và chỉ thích trồng mỗi loại 1 cây chứ không thích trồng nhiều cây cùng 1 loại.

Nhưng 'con nít tóc bạc' vẫn trấn an... mai mốt bông nở sẽ có 'tóc bạc đờ mi gạc sông' đi chụp hình và lúc đó thì sẽ nghe giọng ồm ồm khen 'bông súng màu trắng này mới thấy lần đầu... mà ngộ,_nó BLOOM ALL SEASON....'

Tôi đang làm cô gái Hà Lan bán sửa đây... tôi đang mơ mùa xuân tới để thấy 2 cây bông súng lớn nhanh để vào Hạ tôi sẽ được ngắm nhiều bông... để biết nhản ghi BLOOM ALL SEASON là có thật chứ không như đám bông súng đang trồng chỉ có bông vào mùa hạ.

Quý bạn theo dõi tôi nhe, coi niềm vui của tôi có trọn vẹn không nhe, có uổng công tôi chăm sóc không nhe.





Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2024

227. THỊT BÒ NƯỚNG LÁ CÁCH

 Đi chơi 4 ngày. Về nhà, cảm giác thật dễ chịu_ thiệt vậy nhà của mình thì bao giờ cũng là nơi ấm áp nhất.

Mờ sáng thức dậy, 13 độ C, cái lạnh của sáng mùa Thu làm nhớ thịt bò nướng lá cách.      

  

Thế là đem thjt ra để đó rồi lại nằm khoanh chờ thịt rả đông để ướp.

Kỳ này dùng thịt skirk bò (đã mượn shop xắt mỏng.

Lần này nhắm chừng vì gói thịt không nhớ phân lượng. Dù vậy vẫn áng chừng theo kiểu lấy chén đong.

- 3 chén thịt bò 

- 2 muỗng cafe đường

- 2 muỗng canh nước tương

- 2 muỗng canh nước mắm

1/2 muồng cafe bột tỏi.

chút xíu ngủ vị hương, chút xíu tiêu xay.

- 4 muỗng canh dầu ăn.

- mở heo xắt lát để quấn kèm với thịt bò.

Ướp 30 phút.

Lần này quấn thịt bằng lá cách. Lá cách - dường như chỉ dân miệt sông nước miền Tây mới biết và mới nhung nhớ cái mùi lá cách. (cái mùi lá cách thơm lắm, ở chợ khu chợ tàu Bankstown thấy có người bày bán. Cũng lâu lắm mới thấy có người bán cây lá cách... nhưng mà nó mắc ơi là mắc _ cây chỉ có 2 nhánh giá $50 hay $60 tùy theo nhánh cao hay thấp)

Đây là cây lá cách.

Lần này cũng cải cách cách nướng _ Xếp thịt vào chảo  (chảo không để dầu), đậy nắp, vặn lửa cao, nấu khoảng 7-8 phút.

Rồi gắp các cuốn thịt vào khai nướng, quét dầu lên các cuốn thịt cho thịt không bị khô, nướng lửa 200 độ C khoảng 8 phút.

Hôm nay trời mùa Thu se se lạnh. Mùi mắm nêm, mùi thịt nướng thơm lựng. Mấy cái bông lá Cẩm làm dĩa thịt thêm phần hấp dẫn.

Thứ Ba, 16 tháng 4, 2024

226. CHUYỆN CỦA tôi _NGƯỜI GIÀ.

 - "Như con nít". Câu này quen nghe người cùng nhà nói lắm, 

Mà đúng y như rằng. Đó là thích BẮT CHƯỚC.

Tôi hay được bạn trồng bông gửi hình bông bạn ấy trồng. Thế là hôm qua có hình để trả lễ cho bạn ấy. Cái chậu là cái tô mì takeway. Cây trồng thì có gì giống giống là bê vô. _đúng là bắt chước.

Đây là công trình của bạn tôi

Còn đây cũng là bắt chước ý tưởng "xi măng" được trông thấy trong tiểu cảnh trong sân trên đường đi rước cháu _ đó là những vật dung trang trí làm bằng xi măng. 
Ngày mó tay vô xi măng, anh xã cười quá trời _bó tay với bà, gì cũng bắt chước.
Tôi thích mấy cái chậu để trồng bonsai nhưng lại không muốn tiêu tiền mua chậu bởi bản chất Trùm Sò cứ nghĩ còn bao lâu nữa mà mua với sắm.... nên nhân có xi măng dư nên thử làm chậu và vài thứ nho nhỏ để trang trí.

Bạn cùng nhà cứ ra vô chộ: - _"Chời ơi cái lá bạc hà làm khuôn ... ui trời ... trồng gì vô đó, nó trẹt lét tưới nước vô là đất trôi ráo nạo?"
- "vậy mà bỏ công bầm xi măng cũ đã bị bết lại như vầy, đã vậy còn làm thêm  ... xá bà luôn"

Trả lời như vầy thì thuyết phục hơn là nói suông. Sen Đá không cần đất, chỉ dán sỏi cho cố định rồi cài các nhánh Sen Đá & hình tượng *vô. Vài bữa phun tí nước là sẽ có cái để săm soi.
Tượng cô bé đánh đàn này mua ở chợ bán đồ cũ.


Một người quen thắc mắc: "Treo mấy cấi lá lên như vầy để làm gì, có tác dụng gì?"
Lại nghe cười " chỉ là vậy mà bả tốn thời gian."


Treo như vậy để coi cho vui thôi, Cái tác dụng của nó là để tập trung chú ý đến gì đó vui vẻ quên bi quan về những ngày già sắp tới.

Còn nhiều điều con nít ẩn trong tuổi già của tôi. Tôi sẽ ghi tiếp. 


Thứ Hai, 15 tháng 4, 2024

225. CHUYỆN LÀM BÁNH ÍCH NHƯN DỪA.

Gói bánh ích theo kiểu luộc + hấp


Như lần trước, vẫn gói bánh theo kiểu luộc.

Sau khi bắt bánh thì thả bánh vào nước sôi, Nhắm chừng bánh vừa chín thì vớt ra dĩa có đưng dầu để khỏi phải thoa dầu trên lá. 

Sau đó mới gói lá chuối rồi đem hấp. Nhưng thời gian hấp bánh ngắn hơn.

Tôi thích gói kiểu này vì tránh được tình trạng khó gói bánh chưa quen gói bánh (bột đã chín thì dù gói chậm hay gói trật vuột thì không ảnh hưởng lắm đến hình thức của cái bánh ích.

Tôi xào nhưn và viên sẳn để ngăn đá. Vì vậy khi bất chợt muốn ăn bánh chỉ cần lấy nhưn & nhồi bột (chế nước nóng vào bột có để 1 muỗng dầu) NÊN lúc luộc bánh là lúc đi rọc lá & rửa lá.

Anh xả thích bánh trắng nhưn dừa. Nói là nhưn dừa nhưng tỉ lê dừa và đậu xanh nấu sẳn ngang nhau. Nấu đường với nước côt dừa cho tan là để đậu xanh + dừa vô xào cho tới khi thấy có thể bắt bánh được là trộng đậu phộng,tắt lửa, để vani nếu thích thơm mùi vani.




Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2024

224. CHUYỆN TRỒNG PASSIONFRUIT

 Trả lời câu hỏi Passionfruit/ Chanh dây gieo bằng hột có trái không.

Em gái phương xa ui, đây là câu trả lời của người chỉ biết qua nhận xét từ vài lần trồng nên ghi nhận là có thật chứ nhận xét thì thời gian sắp tới có khi phải ghi lại vì ... chưa đúng hay lỗi thời. Em xem tạm nhe.

CHANH DÂY/ passionfruit GIEO BẰNG HỘT vẫn cho trái. NHƯNG có vài điều cần lưu ý.* (xem chi tiết ở cuối bài)

Nếu nơi em ở xa vườn ương cây thì em có thể gieo bằng hột

Hột Chanh dây rất dễ lên mầm_ trái rụng xuống hay vứt hột vào đất ẩm thì nó tự mọc cây con.

Đây là cây con mọc lên từ hộp thiếc mua ở siêu thị đã quá hạn không dám ăn nên đổ ra đất.


Thấy dạng lá khác với loại lá của những cây tháp ghép nên tiếc bứng ra um sùm chờ nó cứng cáp trồng xuống và mang ra lề đường cho những ai thích thì bưng về.

Trước đây có trồng loại Passionfruit có lá giống lá của mấy cây con này. Trái màu tím, tuy nhỏ nhưng rất nhiều và rất ngọt. (có ghi chép ở các bài cũ)

*

Đây là cây mọc lên từ các trái rụng xuống hoặc vứt hột xuống đất.

**

***

VÀI ĐIỀU MỚI GHI NHẬN:

1/ Passionfruit cần nắng. Dường như Passionfruit phát triển tốt khi được leo trên giàn.Thiếu nắng và thiếu dinh dưỡng cây cho trái ít hoặc ra bông nhiều nhưng đậu trái rất ít và rất chua (em xem hình có ** là cây mọc ở nơi chỉ nhận nắng sáng; cây có trái màu vàng thì mọc ở khoảng trống giữa mái của 2 nhà nên chỉ nhận nắng sáng như trong hình đánh dấu ***.

2/ Rễ Passionfruit mỏng manh và không sâu và nhu cầu dinh dưỡng cao nên nó cần hấp thụ nhanh phân bón. Vì vậy có lẽ nó thích hợp với phân bón dạng lỏng. Và Phân cá cũng giúp Passionfruit thêm ngọt. Vì rể mỏng nên khi tưới phân lỏng phải tưới nước thường trước rồi sau đó mới tưới phân với liều lượng 1/2 liều chỉ dẫn của nhà sản xuất và tưới cách gốc ít nhất 50cm. Dường như bón phân đầy đủ theo đúng hạn kỳ Passionfruit phát triển rất tốt và đậu trái một cách tự nhiên.

3/ Trong điều kiện đất luôn ẩm thì hột Passionfruit dù nằm phơi trên mặt đất thì chúng vẫn tự mọc và tự lớn. 

[đám cây con từ lon Passionfruit hết hạn đã được bứng những bớt và đem cho bớt, vậy mà vẫn còn.]

4/  Passionfruit có thể nhân giống bằng giâm cành. 

[Cành hơi già nên tỉa bỏ, giâm thử trong đát luôn luôn ẩm, chỉ thỉnh thoảng tưới khi đất bớt ẩm, rồi để quên. Tới chừng kéo cho bụi passionfruit leo lên hàng rào thì mới biết là nhánh cắm đã ra lá.]


5/ Để Passionfruit có nhiều nhánh thì cần cắt bỏ đọt khi cây cao khoảng 1m.

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...