Thứ Năm, 27 tháng 6, 2019

Mẹo chữa tê chân, vọp bẻ, nghẹn thức ăn

Sao chép từ trang của "trung tâm nghiên cứu và ứn dụng thuốc dân tộc". Xin cám ơn về việc chia xẻ kinh nghiệm.
"

1. NGHẸN CỔ – Chỉ cần “giơ 2 tay lên”
Tại nước Mỹ, một cậu bé 5 tuổi đã cứu sống bà ngoại mình khỏi nghẹn bằng cách thức rất đơn giản, đó là “giơ tay lên”.
Bà của Michelle Stewart, 56 tuổi, vừa xem tivi vừa ăn thạch, khi quay đầu lại, một mảnh thạch bị mắc kẹt trong cổ họng. Bà cố gắng bóp bụng để tự giúp mình, nhưng không có kết quả.
Sau đó cậu cháu hỏi: “Bà ơi, bà nghẹn à?”. Bà vẫn nói không ra lời: “Chắc là bà đang nghẹt thở, bà ơi, giơ hai tay lên, giơ hai tay đi”. Bà cậu đành nghe theo, kết quả thật sự nhổ được cục thạch ra. Cậu bé lúc ấy rất bình tĩnh, cậu còn khoe với bà rằng đây là điều mình được học trong trường.
2. Bị SÁI CỔ/ ĐƠ CỔ/CỨNG CỔ: Chỉ cần nhấc chân lên>Kéo ngón chân cái ra, nắm lấy rồi xoay tròn từ từ theo chiều kim đồng hồ hoặc ngược chiều kim đồng hồ.
Thế nào là sái cổ? tức là cứng cổ khi thức dậy buổi sáng thức dậy cảm thấy cổ xoay lắc bị đau hay khó xoay lắc. Đó là dấu hiệu bạn đã bị sái cổ.   
3. CHUỘT RÚT Ở CHÂN.Khi chân trái bị chuột rút thì giơ tay phải lên.
Nếu chân phải bị chuột rút thì giơ tay trái

4. TÊ CHÂN
Nếu tê chân trái, dùng sức vung tay phải của bạn. Nếu chân phải bị tê thì dùng sức vung tay trái.

Thứ Năm, 20 tháng 6, 2019

TIỀN & NHÂN CÁCH

Câu chuyện giáo dục trẻ - ĐỒNG TIỀN VÀ nhân cáchI.
Ba chúng tôi ở xa, chúng tôi ở nhà với Má- má tôi là cô giáo-, cuộc sống cũng không dư dả nhưng không vì thế mà Má thu tém tiền mừng tuổi của chị em chúng tôi - chúng tôi được xài tiền mừng tuổi -. Dù cũng khó khăn chật vật- thời chiến tranh mà- ba chị em tôi không bị ảnh hưởng đồng tiền đè nặng. Riêng 4 đứa sau cùng phải sống trong thời đói kém sau 75 và đời li hương, cái cảnh nghèo khó cho tới giờ này vẫn đè nặng trong trí các em cho dù vẫn đủ ăn đủ mặc- em keo kiết với bản thân từng đồng một,nhưng may mắn là vẫn còn biết rộng rãivới bố mẹ, anh em, con và cháu và lương thiện.

Còn anh, anh lớn lên trong những ngày tháng tản cưcùng với ba. Ba anh làm công nhân nhà máy dừa, Má anh đi đi về về trong quê tiếp tế chất đốt, rau , cá tép xúc trong mương rạch.
Cuộc sống có những thời điểm khá khó khăn vì bom đạn, Má anh không thể về vườn. Có Má kề bên nhưng Ba anh coi mình như chủ gia đình. Ông mua gạo, nước mắm đường muối dầu lửa đủ xài cho 1 kì lương.. Má anh được phát tiền chợ Anh chị em anh lớn lên trong ngưỡng mộ bố bởi ông nắm kinh tế.
Bố chồng tôi mất đã lâu nhưng ông vẫn còn đó trong kỉ niệm đẹp in trong đầu các con và sự khắt khe đến nghiệt ngả về việc tiêu tiền còn vươn lại nơi cá tính của những người con có dáng dấp giống ông. (Tôi biết được từ lời kể trong vòng nước mắt dân dấn trên mắt của Má anh, bà hay nhắc lại vào dịp giỗ ông). Nhưng may mắn là mọi người đều giống bố mẹ và như chị em chúng tôi -đều lương thiện và cũng kiếm tiền trong lương thiện



Má chồng tôi mất sau ông mươi
năm... Bà sống như cái bóng mờ trong cuộc sống của các con bởi bà không có tiền, chỉ có ngọn rau quê &củ m mì & con cá con tép xúc tát trên sông và những bó củi dừa, mo nang, lá dừa nặng trich, thỉnh thoảng là mớ lá sâm tình cờ tìm thấy hay trái thơm chín thơm lừng.
.. mãi cho đến tận bây giờ bà vẫn là một bóng mờ - như một bóng lầm lụi, thui thủi cắt từng ngọn rau, ngâm mình trong nước.. trong tiếng đạn cắc bùm hay tiếng đại bác vẳng lại từ xa, lấm lem xinh bùn lùng xục từng con cá và có lẽ cũng nhịn miệng mà mang ra cho con trong niềm phấn khích rằng tuần này các con mình sẽ có cá kho.. tép rang dừa..chứ không phải là chao hay tương hột.hay kho quẹt.v..v..- đề tài ca ngợi bố đã che khuất hình ảnh má anh - bà chỉ được nhắc trong ngày giỗ...

Tóm lại, Đồng tiền và Hoàn cảnh sống đã quyết định hành vi của con trẻ.



Hãy chọn cách giáo dục ngay từ lúc trẻ còn nằm nôi và liên tục giữ hành vi của chính mình luôn tốt & chuẩn mực cho con nhập tâm.- không quá sớm đâu các ông bố bà mẹ trẻ.

Hì.. hì.. lạnh quá, ngồi bên cái sưởi gõ linh tinh.. dùng nhân vật tôi cho câu chuyện gần gũi thêm với vài bạn blog quan tâm về việc giáo dục trẻ ngay từ mới lọt lòng.


Thứ Ba, 18 tháng 6, 2019

Sen mọc mùa Đông

Mùa Đông ở nơi này bắt đầu từ 01/6 đến 31/8.
Mùa Đông đến chưa trọn tháng. vậy mà sen màu hồng đã mọc lại.

Trước đây gõ blog cứ ba hoa rằng Sen ngủ vào mùa Đông.
Mà thiệt, vào thời điểm này mỗi năm sen hồng, vàng, trắng đều ngủ (trụi lũi lá). Ngay cả hoa Súng cũng ngủ Đông.
sen vàng
sen trắng, vàng và súng
Từ nay sẽ bớt ba hoa nói gì cũng chắc cú .. chắc nịch.. hì.. hì..
Để xem coi Sen Hồng có lớn nổi trong mùa Đông hay không.. Hôm nay là 18/6/2019, ... đến 31/8 còn hơn 2 tháng lận. Mùa Đông năm nay có vẻ lạnh hơn năm trước (hay vì già thêm tuổi mà thấy lạnh  quéo càng cua?)
Và để coi có nên bón phân cho Sen Hồng khi nó ra lá đứng trong mùa Đông hay không.
Sẽ ghi tiếp khi có gì mới mới..
Chúc bạn blog vui khỏe. hạnh phúc với niềm vui trồng trọt.

Thứ Hai, 10 tháng 6, 2019

Đan áo em bé bắt đầu từ cổ áo.

Cái áo đầu tay đan với cách đan từ cổ xuống lai áo.
Số đo:
-Dài áo : 38cm (đo từ cổ sau xuống lai áo)
-Hạ nách trước: 17cm (đo từ cổ áo ra nách)
-Hạ nách sau: 19cm (đo từ cổ áo ra nách)
-Ngang ngực: 33cm
-Tay áo:  32cm (đo từ cổ áo tới cổ tay áo )
-Cổ tay áo: 7-8cm
Gầy: 76 mũi len 8ply, kim đan 4mm
Lưu ý: Bìa áo, để cài nút, 2 mũi đầu hàng không đan.
Hàng 1-6: đan mũi xuống (K) để làm cổ áo.
THÂN ÁO + TAY ÁO
Chỉ ghi phần cơ bản phân chia số mũi cho việc đan thân áo và tay áo chứ không ghi cách thức đan hoa văn.
Bề trái luôn đan mũi lên
Hàng 8: K7, yo, K14, yo, K2, yo, K12, yo, K2, yo, K18, yo, K2, yoK12, yo, K7
Giải thích:
K7: bìa áo
yo, k2, yo hoặc yo: đường nách áo ( yo để thêm mũi)
K14: thân trước
K12: tay
K18: thân sau

Hàng 10: K7, yo, K15, yo, K2, yo, K13, yo, K2, yo, K19, yo, K2, yo, K13, yo, K7
Hàng 12 cho đến hàng 45 thì mỗi hàng tăng 1 mũi ở vị trí in đậm màu đen.
Dự trù sẽ đan độ dài của vị trí cài nút là bao nhiêu (chổ đan k7) để chia khoảng cách mà đan bỏ lỗ làm khuy nút.
(ví dụ như áo này ở  K7 chỗ tiếp giáp với tay áo (K12)  : đã đan: hàng 1: K, hàng 3 bắt đầu làm khuy nút (sl2, k1, yo 2 vòng, k2tog)
Các hàng kế tiếp đan K
Đến hàng 19 làm khuy nút thứ 2
Tới hàng 37, làm khuy nút thứ 3
Hàng 49, làm khuy nút thử 4
*các chi tiết này chỉ nhìn áo mà ghi lại vì lúc đan không có ghi chú nên mức độ chính xác chỉ tương đối, ghi để minh họa thôi)


ĐAN TAY ÁO
Lấy 7 mũi (phần đã làm khuy nút ra kim tây, 
Đan tay áo, có giảm mũi từ từ sao cho còn 46 mũi) 
Đan cổ tay áo * K2, P2 *
ĐAN THÂN ÁO
Chập đôi xen kẻ 2 phần K7 từ kim tây (tức lấy 1 mũi bên kim tây này và 1 mũi trên kim tây kia cho đến khi đủ 7 mũi) kết hợp với phần thân áo đã chừa sẵn lên kim vòng, để đan vòng tròn. chú ý đan 1 mũi lên sau khi dứt 1 thân áo (mũi lên này giúp cho 2 thân áo có 1 khe coi như nếp gấp và khi đan sẽ biết đâu là diểm bắt đầu)
Đan cho đủ độ dài áo cần đan (nhớ chừa 1 đoạn bằng với độ dài của cổ tay để làm lai áo.
ĐAN LAI ÁO
*K2, P2 *
THÊU LÊN ÁO
Do vấn đề bản quyền nên không thể đưa hình hay đưa link
Chỉ có thể ghi các từ khóa để bạn tự search Google
- nhiều mẫu cá "fish cross stitch chart"
- cá Whale như trong mẫu áo này "fish cross stitch chart"
Cách thêu lên áo
search Google với các từ khóa sau đây
"How to Duplicate Stitch"
"how to cross stitch on knitting"
Hoa văn : " snowflake knitting stitch knitting bee" chọn phần video để xem cách đan.
Nếu bạn cần hỏi gì thêm thì gõ vào comment nhen. Vì nghĩ ít ai thích và nhất là chưa có kinh nghiệm trong việc đan từ cổ áo xuống thân áo nên chỉ ghi sơ sơ để khoe khoang thôi. Tiếc là không chụp hình lúc bắt đầu đan.

Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2019

Sưu tầm


Tản mạn chiều thứ sáu (Xin được phép đặt ở đây,cám ơn tác giả Vương Điền)
Tổ tiên đã dạy...
1, Ăn no không gội đầu, đói không tắm. Rửa mặt nước lạnh, vừa đẹp vừa khỏe. Mồ hôi chưa khô, đừng tắm nước lạnh. Đánh răng nước ấm, chống ê chắc răng.
2, Ăn gạo có trấu, thức ăn có chất xơ . Nam không thể thiếu rau hẹ, nữ không thể thiếu ngó sen. Củ cải trắng, sống không tốt nhưng chín thì bổ. Ăn không quá no, no không nên nằm.
3, Dưỡng sinh là động, dưỡng tâm là tĩnh. Tâm không thanh tịnh, ưu tư vọng tưởng dễ nảy sinh. Tâm thần an bình, bệnh sao đến được. Nhắm mắt dưỡng thần, tĩnh tâm ích trí.
4, Dược bổ thực bổ, đừng quên tâm bổ. Coi tiền như cỏ, coi thân như bảo. khói hun cháy lửa, tốt nhất không ăn. Chiên dầu ngâm ướp, ít ăn thì tốt.
5, Cá thối tôm rữa, lấy mạng oan gia. Ăn mặc giữ ấm, nhất thân là xuân. Lạnh chớ chạm răng, nóng chớ chạm môi. Đồ chín mới ăn, nước chín mới uống.
6, Ăn nhiều rau quả, ít ăn đồ thịt. Ăn uống chừng mực, ngủ dậy đúng giờ. Đầu nên để lạnh, chân nên giữ ấm. Vui chơi biết đủ, không cầu an dật.
7, Dưỡng sinh là cần cù, dưỡng tâm là tĩnh tại.
8, Người đến tuổi già, thì phải rèn luyện, đi bộ chạy chậm, luyện công múa kiếm; đừng sợ giá lạnh, quét sạch sân nhà, hội họa thêm vui, tấm lòng rộng mở.
9, Nghe tiếng gà gáy, đừng cố nằm thêm, trồng hoa nuôi chim, đọc sách ngâm thơ; chơi cờ hát kịch, không ham phòng the, việc tư không nhớ, không chiếm lợi riêng.
10, Ẩm thực không tham, bữa tối ăn ít, khi ăn không nói, không nên hút thuốc; ít muối ít đường, không ăn quá mặn, ít ăn chất béo, cơm không quá nhiều;
11, Mỗi ngày ba bữa, thức ăn phù hợp, rau xanh hoa quả, ăn nhiều không sợ; đúng giờ đi ngủ, đến giờ thì dậy, nằm dậy nhẹ nhàng, không gấp không vội;
12, Uống rượu có độ, danh lợi chớ tham, chuyện thường không giận, tấm lòng phải rộng.
13, Tâm không bệnh, nên phòng trước, tâm lý tốt thân thể khỏe mạnh; tâm cân bằng, phải hiểu biết, cảm xúc ổn định bệnh tật ít;
14, Luyện thân thể, động cùng tĩnh, cuộc sống hài hòa tâm khỏe mạnh; phải thực dưỡng, no tám phần, tạng phủ nhẹ nhõm tự khai thông;
15, Người nóng giận, dễ già yếu, thổ lộ thích hợp người người vui; thưởng thức thư họa, bên suối thả câu, lựa chọn sở thích tự do chơi;
16, Dùng đầu óc, không mệt nhọc, bớt lo dưỡng tâm ít náo nhiệt; có quy luật, sức khỏe tốt, cuộc sống thường ngày phải hài hòa;
17, Tay vận động, tốt cho não, phòng ngừa bị lạnh và cảm cúm.
18, Mùa hè không ngủ trên đá, mùa thu không ngủ trên phản. Mùa xuân không hở rốn, mùa đông không che đầu. Ban ngày hoạt động, tối ngủ ít mơ.
19, Tối ngủ rửa chân, hơn uống thuốc bổ. Buổi tối mở cửa, hễ ngủ là say. Tham mát không chăn, không bệnh mới lạ.
20, Ngủ sớm dậy sớm, tinh thần sảng khoái, tham ngủ tham lạc, thêm bệnh giảm thọ. Tranh cãi buổi tối, ruột như sát muối.
21, Một ngày ăn một đầu heo, không bằng nằm ngủ ngáy trên giường.
22, Ba ngày ăn một con dê, không bằng rửa chân rồi mới lên giường.
23, Gối đầu chọn không đúng, càng ngủ người càng mệt. Tâm ngủ trước, người ngủ sau, ngủ vậy sẽ thành mỹ nhân.
24, Đầu hướng gió thổi, ấm áp dễ chịu, chân hướng gió thổi, hãy mời thầy lang.
25, Không ngủ nơi ngõ hẻm, độc nhất khi gió lùa.
26, Đi ngủ không thắp đèn, sáng dậy không chóng mặt.
27, Muốn ngủ để tấm thân nhẹ nhõm, chân không hướng tây đầu không hướng đông
Lfs.

Thứ Ba, 4 tháng 6, 2019

Câu chuyện giáo dục.


CHIẾC ÁO LEN.
(Bạn blog mến, ảnh và chuyện cốt để lồng nội dung muốn chuyển tải.. hì.. hì.. Bên này đang mùa Đông, lạnh quá, không trồng trọt gì đươc... táy máy gõ cho qua ngày.. hì.. hì.. bạn thông cảm đọc cho vui, may ra ngộ ra điều gì đó mình trao đổi cho vui)
Bạn ghi
"áo chị đan đẹp vậy
mà sao không được dùng"
"áo Má em đan
con em mặc giờ đã chật,
nhưng em sẽ giữ mãi,
cho tới lúc con em lớn,
để con phải biết quý cái công bà..."

Bạn,
Tôi không trách các con việc không dùng đồ đan mình handmade.
Bởi tôi hiểu:
1/mắt của mỗi người mỗi cảm nhận
và thị hiếu của thế hệ này khác xa
xa lắm cái thị hiếu của thế hệ kia
2/nhưng cái điều tôi cảm được
là nếp giáo dục, là nếp sống & hoàn cảnh sống
đã tạo nên con người.
Thế hệ của tôi và của bạn
đã sống trong gia đình có hơn 2 con
nói rõ là nhiều con.
Và phải sống trong đói nghèo lam lũ bởi chiến tranh và biến cố lich sử.
Trong lăn lóc mưu sinh, những đứa trẻ ngày đó,
là tôi, là bạn đều đã
chứng kiến trọn vẹn sự hí sinh của bố mẹ,
và đã ít nhiều góp bàn tay bé vin cùng bàn tay thô ráp của bố mẹ,
và đã nhiều phen được học từ bố mẹ
cái đạo làm người, đạo làm con.. từ hành vi & cách cư xử của bố mẹ
với Ông Bà, quyến thuộc và với xóm giềng, bạn hữu.

Con chúng tôi,
sinh ra trong cảnh lương tạm ứng, gạo & nhu yếu phẩm tem phiếu,
uống nước cơm, nước chanh chờ vú mẹ.
vào mẫu giáo được dạy làm cháu ngoan
nhưng không được dạy cái ngoan yêu cha mẹ ông bà, yêu gia đình.....
Lớn tí xíu, chúng lại sống trong cảnh li hương,
Đặt chân lên chốn tạm dung bằng bàn tay trắng.-
trắng tiền, trắng đủ thứ
nên bố mẹ chúng vặn cái vít cũng lóng ngóng,
cắt chỉ ăn công 2 cents 1 cái áo cũng thua người
vào farm cắt cái nấm cũng chậm chạp-
Đồng tiền kiếm được ít oi quá ,
muốn mua cho con một trái xoài cũng đắn đo.
Bởi vậy, mua tissue cũng tính toán,
thì làm sao mà có tới đồ chơi...
Tôi hiểu các con tôi khao khát.
Và cái khao khát đó đã dồn hết vào các con của chúng.
Tuổi thơ của các con tôi đầy thiếu thốn,
thiếu vật chất và thiếu cả giảng dạy.
Bởi chúng tôi bán thời gian và sức khỏe
để chúng có mái nhà
Chúng tôi xót con, nhưng mệt nhọc quá
nên đã đánh rơi việc làm gương cho các con về hành vi lẫn nhân cách.
Sống trong thiếu thốn, các con tôi đã không ngừng nổ lực.
May là chúng kiếm được cơm ăn, có đứa có được mái nhà.
Nhưng điểm chung là khao khát
Kiểu 'muốn ăn gắp cho người khác'
Áo quần trẻ em trong shop đầy kích thích ham muốn của bố mẹ trẻ
Đồ chơi đa dạng lần lượt xếp hàng trong playroom
nhanh chóng bị đám cháu cho ra rìa
vì tới tấp đồ chơi.
Việc không cho các con mặc đồ đan mà tôi cặm cụi tháo tới tháo lui
là chuyện nhỏ
Cái lo lắng đè nặng tâm tôi
-Liệu các cháu tôi còn ham muốn để cố gắng nổ lực?
-Liệu cháu tôi có biết trân trọng tình cảm của bố mẹ chúng
- Liệu các cháu tôi có nên người
khi mà bố mẹ chỉ chăm chắm
cung cấp cho con đồ đẹp & đồ hàng hiệu & ắp lẩm đồ chơi
.. còn nhiều nhiều lắm những luân phiên party, birthday...đi tham quan đây đó..
mà quên rằng
-trẻ con cần .. rất cần uốn nắn để hình thành nhân cách hơn là áo đẹp.. độ chơi..
Chúng tôi đã sai, dẫn đến nhận thức sai lầm của lứa con của mình
Cái sai này sẽ dẫn đến bao xa và có cơ hội chấm dứt với môi trường mà con chúng tôi đã và đang gầy dựng??? (đã cuốn và có nguy cơ nghiền nát tương lai và nhân cách của đám cháu tôi.)

Bạn có muốn con mình mãi vẫn là đứa bé? mãi vẫn không tự lập tự vươn lên? mãi vẫn là đứa trẻ ngây ngô không biết trân trọng ân tình?
Chắc là không?
Nhưng hãy coi chừng điều mình muốn và thực tế thì tréo nghoe...nếu như bạn chưa chỉnh lại quan điểm của mình..

Chuyện 1 người mang tên Nguyễn Thị Di Tản

(chuyện tình đẹp -chung thủy & sống có trách nhiệm- Bài ghi lại từ thư của bạn bè. Xin phép tác giả được đăt ở đây. Xin cám ơn)

Tên tôi là Nguyễn thị Di Tản. Cái họ Nguyễn của tôi đã chứng tỏ tôi là người Việt Nam chính hiệu con nai vàng. Song có điều tôi là đứa bé Việt Nam chào đời ở một miền đất lạ xa – đảo Guam – một nơi chốn thật lạ lẫm với quê hương tôi. Theo lời mẹ tôi kể tôi chào đời vào những tháng ngày buồn thảm nhất của miền Nam Việt Nam. Tôi đã nằm trong bụng mẹ, theo mẹ trên con đường di tản của dân tộc tôi.
Tôi đã là một chứng nhân của lịch sử. Tiếng khóc chào đời của tôi ở một quần đảo nơi quê người đã giúp mẹ tôi nhiều can đảm vượt qua những thử thách, gian truân của cuộc đời. Tôi đã là Nguyễn Thị Di Tản từ ngày ấy. Thế mà đã hơn một phần tư thế kỷ kể từ 30 tháng 4 năm ấy. Thế mà đã 35 năm qua…
Đã 35 năm qua. Tôi đã lớn. Đã trưởng thành nơi miền đất tạm dung của một tỉnh lỵ miền Tây Canada. Thành phố Winnipeg buồn hắt hiu như tâm sự “Người di tản buồn” của mẹ. Mẹ rất yêu bản nhạc “Người di tản buồn” của Nam Lộc. Ngày còn bé, bằng bài hát ấy mẹ đã ru tôi ngủ. Riết rồi tôi quen với từng lời ca tiếng nhạc. Mẹ bảo đêm nào không nghe bài hát ấy tôi không ngủ. Đến lúc tôi bập bẹ biết nói mẹ dạy tôi hát. Tôi vừa quấn quít bên mẹ vừa đỏ đẻ hát:
Chiều nay có một người đôi mắt buồn
Nhìn xa xăm về quê hương rất xa
Chợt nghe tên Việt Nam ôi thiết tha
Và rưng rưng lệ vương mắt nhạt nhòa
Bạn ơi đó là người di tản buồn
Ngày ra đi lặng câm trong đớn đau.
Rồi đêm đêm hằn lên đôi mắt sâu
Thời gian đâu còn những phút nhiệm mầu
Cho tôi xin lại một ngày, ở nơi nơi thành phố cũ
Cho tôi xin lại một đời, một đời sống với quê hương
Cho tôi đi lại đoạn đường, hàng cây vươn dài bóng mát
Cho tôi yêu lại từ đầu, bên người yêu dấu ngày xưa
Chiều nay có một người di tản buồn
Nhìn quê hương còn ai, hay mất ai?
Còn bao nhiêu thằng xông pha chiến khu?
Và bao nhiêu nằm trong những lao tù?
Ở đây có những chiều mưa rất nhiều!
Nhiều hơn khi hành quân trong tháng mưa
Buồn hơn khi rừng khuya vang tiếng bom
Ngày vui ơi giờ đâu nước không còn
Cho tôi xin lại một lần, ở nơi tôi dừng quân cũ
Cho tôi xin lại bìa rừng, nơi từng chiến đấu bên nhau
Cho tôi xin một lời chào, chào bao nhiêungười đã khuất
Cho tôi xin một mộ phần, bên ngàn chiến hữu của tôi!
Tôi hát như sáo. Mẹ hát sao tôi hát theo vậy. Mẹ bằng lòng lắm. Dần dà tôi có thể hát được cả bài. Bạn bè của mẹ đến nhà chơi mẹ, đem con sáo của mẹ ra khoe. Mẹ bắt tôi hát. Mỗi lần hát xong các bác các cô, bạn của mẹ ai cũng đều rươm rướm nước mắt. Có lần tôi thỏ thẻ hỏi mẹ “Sao con hát hay mà mẹ với các bác lại khóc”.
Mẹ ôm tôi vào lòng và nói “Bao giờ con lớn con sẽ hiểu tại sao”. Cái trí óc non nớt ngày ấy của tôi mơ hồ cảm nhận có một điều gì khác thường ở mẹ, một cái gì mất mát lớn lao trong đời mẹ. Những lúc rảnh rỗi, sau giờ cơm chiều mẹ dạy tôi nói, tôi đọc:
– Con là người gì? – Dạ thưa con là người Việt nam
– Con tên gì?
– Con tên là Di Tản
– Con có yêu nước Việt Nam không?
– Con yêu Việt Nam lắm!
Tôi đã thuộc nằm lòng những câu mẹ dạy. Tôi đã quen thuộc với cái tên Di Tản. Tôi thấy tên tôi nó ngồ ngộ, dễ thương làm sao. Đến lúc tôi lên năm, mẹ dắt tôi đến một ngôi trường tiểu học ở gần nhà để ghi tên đi học. Từ ngày còn bé tôi chỉ loanh quanh ở cái apartment mẹ ở mà thôi. Chung cư nầy đa số là người Việt nam. Lần đầu tiên đến trường, một khung cảnh mới, người mới. Các học sinh cùng lớp với tôi hoàn toàn là những khuôn mặt lạ xa.
Cô giáo cũng thế. Không giống mẹ. Không giống các bác, các cô đến chơi nhà mẹ. Lúc mẹ chào cô giáo ra về. Tôi ở lại trường với tâm trạng thật lạc lõng, bơ vơ. Tôi muốn khóc. Tôi muốn theo mẹ ra về làm sao. Tôi ngồi cô đơn một góc lớp. Cô giáo rất trẻ, đến bên tôi nhỏ nhẹ hỏi
– “What is your name?”.
Tôi cúi mặt, bặm môi chừng như rướm máu, lí nhí đáp bằng cái giọng Việt Nam đặc sệt “Dạ .. Di Tản”. Cô giáo chừng như không hiểu, cô xem lại quyển sổ và hỏi lại tôi “your name is Đaithen”. Tôi lắc đầu và lập lại “Di Tản”. Cả lớp rộ lên cười. Tôi bật khóc. Tôi khóc ngon lành như bị ai ức hiếp.
Sau buổi học, mẹ đến đón tôi về. Trên suốt quãng đường từ trường về nhà Tôi lặng thinh, không nói một điều gì cả với mẹ. Mẹ âu yếm hỏi tôi “Con đi học có vui không”. Chừng như tôi chỉ chờ mẹ hỏi, Tôi òa lên khóc và bảo:
– Sao mẹ không đặt cho con một cái tên nào dễ kêu như Helen, như Cindy hay Linda như tụi nó mà mẹ đặt tên con là Di Tản. Cô giáo đọc không được tên con, mấy đứa cùng lớp tụi nó chọc ghẹo con.
Mẹ tôi dịu dàng, từ tốn bảo:
– Con có biết cả nước Canada nầy có biết bao nhiêu là Helen, là Cindy không con. Còn tên Di Tản chỉ có mỗi một mình con. Con không thấy con đặc biệt sao con. Con phải hãnh diện vì cái tên rất là Việt Nam của con mới phải.
Tôi nũng nịu pha một chút hờn dỗi:
– Mà cô giáo đọc là Đaithen mẹ thấy có kỳ không?
Mẹ trìu mến đưa tay vuốt tóc tôi, hiền hòa khẽ bảo:
– Tại cô giáo không biết cách phát âm của ngươì Việt Nam mình đó thôi. Con phải đọc lại cho cô biết rồi từ từ cô sẽ đọc đúng.
Giọng mẹ thiết tha hơn, chùng xuống, sũng đầy nước mắt.
– Mẹ đã mất tất cả rồi con ơi. Mẹ chỉ còn cái tên Việtnam mẹ gửi cho con. Con có biết như thế không?
Đầu óc của một đứa bé lên năm làm sao tôi hiểu đuợc hết những gì mẹ nói, song tôi biết mẹ buồn lắm. Có một cái gì làm cho mẹ khổ tâm lắm. Tôi cảm thấy ân hận. Tôi ôm mẹ, hôn me, và bảo:
– Con xin lỗi mẹ. Con làm mẹ buồn lắm phải không mẹ.
Tôi thấy mắt mẹ long lanh ngấn lệ.
– Không phải đâu con, con của mẹ ngoan lắm.
Đó là câu chuyện ngày lên năm của tôi. Mãi cho đến những năm sau nầy tên tôi vẫn là một đề tài cho lũ bạn chọc ghẹo. Cái chọc ghẹo cho vui chứ không có một ác ý nào cả. Lúc tôi vào Highschool tôi đã lớn lắm rồi. Tôi đã hiểu những u uất của đời me. Tôi thương mẹ hơn bao giờ hết.
Thấm thoát mà tôi đã là cô gái 18. Soi gương tôi cũng biết mình đẹp lắm. Mẹ không cho tôi cắt tóc ngắn. Cả trường con gái mái tóc dài chấm lưng với khuôn mặt Á Đông của tôi vẫn là một đề tài nổi bật nhất.
Lại thêm cái tên Di Tản nữa. Lúc nầy tôi không còn buồn mỗi lần bị giáo sư đọc trật tên. Bạn bè tôi, những đứa quen nhau từ lớp mẫu giáo đến giờ được tôi huấn luyện cách phát âm nên đọc tên tôi đúng lắm. Tụi nó bỏ dấu còn lơ lớ nhưng tạm được. Nhưng mỗi lần bắt đầu một niên học mới, tên tôi lại là một tràng cười cho lũ bạn cùng lớp mỗi khi các giáo sư mới gọi tên tôi. Giáo sư nào cũng thế. Ngập ngừng một hồi lâu rồi mới đọc.
Tôi cũng không nín cười được cái giọng như ngọng nghịu của một giáo sư người Canada đọc một cái tên lạ quơ lạ huắc chưa bao giờ thấy và gặp trong lịch sử dân tộc. Trên tay cầm bài Test của tôi, ngập ngừng rồi vị thầy gọi “Đai then”. Cả lớp ồ lên một loạt “Oh, my god”. Vị giáo sư lúng túng, đảo mắt nhìn quanh lớp. Cả lớp nhao nhao lên như bầy ong vỡ tổ. Chừng như tụi nó thích những dịp như thế để câu giờ, “nhứt quỉ, nhì ma, thứ ba học trò” mà. Con Linda ngồi cạnh, hích nhẹ cùi chỏ vào tôi và khẽ bảo:
– Ditan, ổng đọc sai tên mầy rồi kìa, mầy sửa cho ổng đi.
Tôi đỏ mặt. Tôi chưa kịp nói gì cả thì tụi con trai ngồi sau lưng tôi ào ào lên như chợ nhóm “Ditản, Ditản not Đai then”. Vị giáo sư lúc đó mới vỡ lẽ ra, mới biết là mình phát âm sai, ông gục gặt đầu nói lời xin lỗi và lập lại “Ditản Ditản”.
Lúc nầy tôi không còn nhút nhát như ngày xưa nữa. Bạn bè tôi Tây Tàu, Canadian nữa đều “cứu bồ” tôi mỗi lần có tình trạng như trên vừa xảy ra. Dần dà mọi người gọi tên tôi rất ư là dễ thương. Đến bây giờ nhớ lại những lời mẹ nói với tôi ngày nào, tôi hãnh diện vô cùng về cái tên mẹ đã cho tôi. Tôi thương mẹ vô cùng.
Cái đất nước Việt Nam khổ đau muôn chiều đã gắn liền với mẹ tôi như hình với bóng trong cuộc đời lưu lạc xứ người hơn một phần tư thế kỷ. Một điều mà tôi có thể khẳng định rằng “dù hoàn cảnh có thể tách rời mẹ ra khỏi quê hương, nhưng không có một hoàn cảnh nào tách rời quê hương ra khỏi tâm hồn mẹ được”.
Mẹ sống như chờ đợi, như mong mỏi một điều gì sẽ đến. Có lần tôi bắt gặp mẹ ngồi một mình trong đêm, tay mân mê, vuốt ve bức ảnh bán thân của bố tôi. Mẹ vẫn nuôi hy vọng Bố còn sống và sẽ có lần gia đình tôi laị đoàn tụ như xưa. Nhưng định mệnh đã an bài. Sau khi nhờ một người bạn làm ở Usaid đưa mẹ con tôi di tản. Bố hứa Bố sẽ gặp lại mẹ sau.
Trong lúc dầu sôi lửa bỏng Bố bảo sao, mẹ nghe vậy. Một mình mẹ bụng mang dạ chửa mẹ đã lên phi cơ, theo đoàn người di tản và mong có ngày gặp lại Bố.
Nhưng niềm hy vọng đó đã vơi dần theo năm tháng cho đến một ngày mẹ được tin Bố đã nằm xuống nơi trại cải tạo.
Mẹ như điên loạn.
Rồi mẹ tỉnh lại.
Mẹ biếng cười, biếng nói.
Cuộc sống của Mẹ đã thầm lặng bây giờ càng thầm lặng hơn xưa.
Ngoài giờ ở sở. Về nhà cơm nước xong, trò chuyện với tôi đôi lát rồi Mẹ vào phòng. Cái khoảng đời quá khứ ngày xưa. Những kỷ niệm ngọc ngà ngày nào của Bố và Mẹ như chút dấu yêu còn sót lại. Thời gian không làm nhạt nhòa mà ở Mẹ không một hình ảnh nào mà Mẹ không nhớ. Mỗi lần nhắc tới Bố, Mẹ như trẻ lại. Mắt Mẹ long lanh ngời sáng. Mẹ kể cho tôi nghe chuyện tình của cô sinh viên Văn khoa với chàng thủy thủ Hải Quân.
Tôi thuộc nhiều bài hát Việt Nam lắm nên tôi ghẹo Mẹ “Mẹ và Bố giống em hậu phương còn anh nơi tiền tuyến quá”. Ngoài tình mẹ con ra, tôi như một người bạn nhỏ để Mẹ tâm sự, để Mẹ trang trải nỗi niềm nào là “con biết không Bố hào hoa và đẹp trai lắm… v.v… và v.v…
Tôi nịnh Mẹ:
– Bố không đẹp trai làm sao cua được Mẹ.
Mẹ cười thật dễ thương.
Một điều mà tôi biết chắc chắn rằng không ai có thể thay thế hình bóng Bố tôi trong tim Mẹ.
Tôi không ích kỷ. Song điều đó làm tôi yên tâm hơn. Tôi muốn cùng Mẹ nâng niu, giữ gìn những kỷ niệm dấu yêu, ngọc ngà của Mẹ và Bố cho đến suốt cuộc đời.
Hôm nay nhân ngày giỗ lần thứ 35 của Bố. Con muốn thưa với Bố một điều. Con cám ơn Bố Mẹ đã tạo cho con nên hình, nên vóc. Dù chưa một lần gặp mặt Bố. Dù bây giờ Bố đã nằm xuống. Bố đã đi thật xa, không có lần trở lại với Mẹ, với con. Song với con Bố vẫn là một hiện hữu bên con từng giờ, từng phút.
Con nghĩ Bố đã che chở Mẹ con con hơn một phần tư thế kỷ nay. Xin Bố hãy giữ gìn, che chở Mẹ, con trong suốt quãng đời còn lại. Con mong làm sao ngày nào đất nước thật sự thanh bình Mẹ sẽ đưa con trở về thăm lại quê hương. Con sông xưa sẽ trở về bờ bến cũ. Ngày ấy ở một phía trời nào đó của quê hương con thấy bố mỉm cười và Bố nói với con... Bố sung sướng lắm, con biết không? Con yêu dấu!
Hoàng Thị Tố Lang
Đất khách Tháng Tư 2010

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...