Không hiểu vì sao, duyên do nào và bắt đầu từ năm nào tôi bắt đầu chuyện cúng kiếng.
Chỉ nhớ dường như lúc có được mái nhà.
Nhớ đó là năm thứ 2 hay thứ 3 sống ở đất này- ngày có được mái nhà -
Đó là những ngày tháng tối tăm mặt mày - xoay mòng mòng với cơm áo gạo tiền.
Nhớ, dạo đó, tới mua trái cây cũng đếm đầu người và nhân cho số ngày để mua đúng số trái cây. tới giấy lau tay cũng tính toán sao cho vừa đủ xài để có đủ tiền trả lãi cho Ngân hàng. Phải nói đó là những năm vô cùng chật vật bởi job thì tạm bợ, nợ ngân hàng phải trả đúng kỳ, nếu mấy kỳ không trả nợ thì NH sẽ có quyền kêu bán nhà của mình để thu hồi nợ mình vay. phải chu cấp cho mẹ ở bên quê, phụ chị em lo giỗ quãy.
Nợ Ngân hàng như 1 bên dĩa cân nó cứ chông chênh chồng chềnh theo cái job casual.
Giữa cái chông chênh đó, con người bỗng tin vào một thế lực huyền bí, người thân khuất bóng. Thế là những lời vái van cầu nguyện nhặt thưa tùy theo độ bấp bênh của job. Thế là cúng kiếng.
Và cúng kiếng đã như là một điều gì đó quen thuộc thành nếp nhà.
. Dân Tây có Tết Tây, mọi người được nghỉ Tết. Còn dân ta làm gì có ngày nghỉ Tết ta trên xứ Tây. Dù cho ngày Tết ta không nhằm thứ bảy hay chủ nhật thì tôi vẫn chưa bao giờ xao lãng việc cúng rước Ông Bà 3 ngày Tết.
Năm nào cũng vậy, từ 2 vợ chồng trẻ bước sang 2 vợ chồng già, chúng tôi rước Giao Thừa, cúng rước Ông Bà, giỗ cha mẹ & chị chồng.
Vậy đó CÚNG KIẾNG đã trở thành nếp nhà. Nhưng nếp cúng kiéng lai căng _ chẳng nhang đèn, chẳng vàng mả, chỉ có lời vái van lầm thầm nhưng là lời của tận đáy lòng biết ơn và tưởng nhớ những người ơn, những người trong thân tộc đã khuất bóng........
Đón Giao thừa Quý Mẹo -2023
Cúng rước chỉ thèo lèo nhưng chứa trong đó bao lòng thành kính và bao nỗi niềm.
Mâm cúng Ông Bà hay mâm giỗ cũng giản đơn, lèo tèo nhưng chứa cả tấm lòng
Và khi có nấu xôi hay bánh hay mua thịt quay... dù không nhằm ngày giỗ cũng mang cúng.
----
Ghi thêm vào ngày mùng 4 Tết (25/1/2023)
Cô bạn nói ' quá dị đoan'
Thật ra lúc khốn khó chao đảo thì cố bấu víu vào những lời cầu khẩn thông qua vài món cơm dâng cúng, đúng là có màu sắc dị đoan trong cách nghĩ....mà nhờ vậy mà vững tinh thần mà ráng gượng chèo chống vượt khó khăn. Nhưng duy trì cũng kiếng cho đến ngày nay thì hết còn là dị đoan, việc cúng kiến giờ đây không chỉ là lòng biết ơn mà còn là một cách giữ lửa, cách duy trì lòng biết ơn trong đầu óc con và cháu.
Ở trời tây, lớp trẻ hiểu và sống theo nhịp sống của xã hội chúng đang sống. Nên việc cúng kiếng như đã ghi ở trên cũng là cách dạy chúng học trong thụ động, mong chúng không quên tổ tiên nguồn cội. Chúng có làm theo hay không thì không bàn đến, nhưng ít nhiều gì thì chúng vẫn có khái niệm Tổ tiên nguồn cội ở trong đầu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét