Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2023

124. CÓ 'XƯA' QUÁ KHÔNG?

 

Ngày mùng 1 Tết năm nay bữa cơm tại nhà Ba vắng nhiều gia đình nhỏ.

Nhâm nhi ượu biếu ngon, hứng chí Ba nói hơi nhiều. 


Ba đặt ra và tự giải đáp nhiều vấn đề:

1/ Về cách hiểu của thế hệ cách đây gần thế kỷ

-Tại sao 30 là ngày cúng rước Ông Bà? 

-Theo Ba, cúng cơm ngày 30 tháng chạp tức là ngày cuối cùng của năm (có thể là ngày 29 nếu nhằm tháng thiếu) để mời người đã khuất về chung vui với mái ấm. Hồi đó ông Nội con nói ‘mình có nguồn cội, cúng rước Ông bà ba ngày Tết là dịp để nhớ & nhắc nhớ nguồn cội.’

2/ Về cách hiểu mới hơn

Nói cúng kiếng Ông Bà Tổ tiên, nhưng thực sự mà nói, ngày đó vì người sống nhiều hơn - đó là ngày gắn kết tình thân thuộc.

3/ Tại sao giữ cái lệ ngày 30 Tết về nhà ‘hương hỏa’ để cúng rước Ông Bà?

-Hồi thời ba còn nhỏ, nhà nào có đất điền thì con cái lập gia đình đều được chia đất để có mái nhà mà làm ăn riêng để tự lập. Ngoài phần đất được cho riêng thì HOẶC con trưởng HOẶC con út được giao phần đất gọi là đất hương hỏa. Người giữ đất hương hỏa thường là người chăm sóc trực tiếp cha mẹ và cúng rước Ông Bà ngày Tết.

-Thời ba sinh sống ở đây, lúc đó mình ên cu ky ở xứ người nên ngày Tết chỉ có gia đình mình. Mà Tết của mình các con vẫn phải đi làm cho nên ngày 30 tết Ba Má chỉ cúng tượng trưng không yêu cầu đủ mặt các con cháu. Lâu ngày cái lệ chìm nghĩm bởi ba má yếu rồi nên chỉ cúng nước và cúng trái cây. Thật đáng tiếc _ mai một một dịp gắn kết, mai một một lệ tốt giúp con cháu nhớ về nguồn cội.

>Ngày 30 Tết, là ngày mà không khí Tết nhứt chín mùi, bữa cơm, có đủ mặt Ông Bà, con, dâu rể, cháu, chắt  rôm rả tiếng cười nói. Đó có phải là niềm vui? Đó có phải là  sự thân tình, cái ấm áp & chan hòa? Đó có phải là keo gắn kết tình thân tộc?

> Ngày 30 Tết, trẻ con trong cái vui khác với cái vui của ngày thường, chúng không chỉ có cảm giác sung sướng được nựng nịu của người lớn mà còn cảm thấy khoái vì được hưởng một không không khí vui vẻ khác _cùng chơi đùa với các anh em cô cậu cùng trang tuổi. Anh em cô cậu biết mặt nhau, gắn kết với nhau, có như vậy phải là vui vẻ không? 

Hồi xưa, ngày 30 ai đi xa cũng ráng về cho kịp ngày 30. 

Nay là mùng 1, mà chỉ có 7 người về. Dù ít người nhưng đủ 3 thế hệ nhưng Ba vẫn lấy làm tiếc.

Sao không tạo được cái lệ sum họp gia đình bên bàn thờ gia tiên để nhớ người đã khuất, và gắn kết tình thân? Riết rồi anh em/ thân tộc như người xa lạ /riết rồi chẳng biêt mặt bà con gì hết.


Ba tôi đúng, nhưng dường như ông còn 'XƯA', chưa thực tế. 

Ở xứ này, con cháu của ba ở cách xa nhau:

 - có đứa cách 600km, 

- có đứa bị ràng buộc phải có mặt ngày cúng 30 Tết của gia đình bên chồng/ bên vợ mà ngày Tết ta thì đâu có đứa nào được nghỉ. 

- Và có đứa còn bị job ràng buộc là không được nghỉ làm trong mấy ngày Tết âm lịch. 

Do đó các em cháu đã tranh thủ đưa con về chúc Tết sớm chứ không thể họp mặt cúng rước Ông Bà vào ngày 30 Tết hay mùng 1 Tết.

Thật tiếc, nhưng phận người xa xứ thì phải chấp nhận những bất cập thôi, chị em tôi thì thầm _có đứa nói ba mình XƯA quá, chứ không dám nói gì hơn trong nỗi buồn của Ba. 

Và trong đám con của Ba, chỉ có tôi giữ được lệ cúng rước Ông Bà ngày 30 Tết cho dù mâm cúng rất xoàng xỉnh & ít oi, dù bận đến đâu cũng ráng có mâm cúng rước Ông Bà, ông Táo. 

Như vậy tôi có 'XƯA' quá không?
Hôm nay, chồng trò chuyện với bà chị họ sinh sống ở Mỹ. Chồng chị cũng giữ được nếp cúng rước Ông Bà. Cũng vẫn tấm lòng và mục đích cho các con nhớ cội nguồn là chính chứ cúng kiến cũng đơn sơ vì  thời gian eo hẹp.

Chúng tôi có 'XUA' quá không?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...