Thứ Tư, 29 tháng 3, 2023

Tôi tập viết (3) - HÃY BÙ ĐẮP THAY VÌ ĐỂ DÀNH

 Ba,

Hôm trước con có đốc thúc Ba cho chúng con thuê thợ đổ bê tông đường vào nhà chứ Ba đừng tự làm. Tuổi Ba đã cao Ba đã lo cho tụi con có nghề nghiệp là quá đủ. Ba đừng nghĩ tới việc dành dụm mà quên đi việc giữ gìn sức khỏe cho Ba.

Hôm nay con xin phép được nói nhiều và nói cạn ý trong đầu chúng con.

Thưa Ba,

Chúng con được sinh ra trong những năm sau  năm 78. Con vẫn còn nhớ những bữa cơm độn, những tất bật nhọc nhằn của mẹ (buổi đi làm và  buổi làm thêm của mẹ để bù đắp cho bữa cơm.)

Chúng con vừa đến tuổi hiểu biết thì gia đình mình bước sang giai đoạn ly hương. Con vẫn chưa thôi ám ảnh bởi tiếng điện thoại giữa khuya của năm đầu tiên mình đặt chân lên đất nước này _chủ hảng may gọi đến kêu mẹ đến cắt chỉ. Sau 11 giờ đêm, tuyến đường ấy không còn xe buýt, bất chấp đường khuya vắng vẻ, mẹ đi bộ hơn 2km cho mỗi lượt đi về trong đêm vắng bất kể trời mưa, trời lạnh...Con có đến nơi ấy, con tận mắt thấy & nghe cách chủ hảng may cư xử với  nhân công. 

Con cũng đã thấy đoạn đường 4.9km lượt đi đến nông trại nấm mỗi ngày trong sáng sớm mù sương _ để có mặt ca làm bắt đầu lúc 7 giờ sáng, mẹ đã phải rời nhà từ 4:30 sáng, quần quật việc làm của nông trại suốt 8 tiếng đồng hồ rồi lại lội bộ 4.9km đường về. 

-4:30 sáng mùa Đông trời lạnh căm căm, sương mù dầy đặc_mẹ hay kể: 'cách nhau 2 m là đã không thấy rõ người đi'; "thấy bóng người đàn ông là giật mình thon thót, họ đi qua rồi mới hết sợ, đường đi tắt ngang  trong công viên vắng ngắt, có kêu cứu cũng không ai nghe thấy". 

-2 giờ chiều mùa Hè trời nóng như muốn chảy nhựa đường.

Vậy mà me đi bộ... trong sự mệt nhọc và nỗi bất an.

Lúc farm nấm dời chỗ,  tìm được việc tạm thời ở hảng in  _ở đây gọi là casual on call, tức là điện thoại gọi để kêu đi làm mỗi ngày (chủ thầu nhận số lượng người hảng in cần rồi gọi người tới làm), con cũng đã tận mắt thấy tay mẹ bị thương sưng tím không cầm được cái muỗng múc cơm sau mỗi ngày làm việc (việc làm ở hảng in rất nặng nhọc) nhưng mẹ vẫn không bỏ việc ngày nào vì sợ người thầu việc không gọi đi làm nữa. Con đã thấy suốt cả tháng, mỗi đêm trước khi đi ngủ ba bó muối và dầu xanh rồi nẹp tay mẹ lên cây thước kẻ của con cho tay mẹ đỡ đau nhức - bàn tay của mẹ tím rịm, 5 ngón tay sưng to.

Tới giờ con vẫn còn cái cảm giác khó tả khi phơi đồ _ khi nhìn những cái quần xì rách lung tung chỗ của ba và mẹ phơi trên sào. (hic...Vừa thoát cảnh nghèo này thì gặp cảnh nghèo khác.)

Cho tới tận ngày hôm nay, con vẫn thấy mẹ vẫn mặc những cái áo có từ 15 năm trước hay những áo con mua cho mẹ_ Mẹ vẫn tiết kiệm.

Và điều làm con đau lòng và khó xử _ ba có vẻ thiếu quan tâm tới mẹ .Mẹ không biết lái xe. Qua vài mẫu chuyện, con được biết mẹ chỉ được Ba chở đi chợ mua thực phẩm hay đi mua quà sinh nhật cho cháu. Mẹ không được Ba chở đi các shop bán quần áo, vậy mà lâu nay con cứ nghĩ mẹ mặc đồ cũ bởi mẹ tiết kiệm. Mẹ tự cắt tóc cho mẹ_con cứ nghĩ mẹ hà tiện quá đáng.

Như vậy đã nhiều năm, mẹ chưa từng đi mua sắm hay đi ngắm ngó các tiêm bán quần áo... các shop bán đồ cho phụ nữ.. vv. là do mẹ không được ba tạo điều kiện _Ba muốn trả hết nợ vay mua nhà thật sớm.   

Ba ơi, khi con vở lẽ ra rằng, Ba không thích mẹ làm gì sái với ý thích của Ba _ba không thích sơn móng tay &son phấn& nước hoa, & mua sắm. Ba không hề thấy sự thiệt thòi của mẹ và nhu cầu tối thiểu của một phụ nữ..

Ba ơi, Ba mẹ không còn bao năm để sống nên ba đừng tiết kiệm nữa. Ba đừng nghĩ đến việc dành dụm.. Thay vào đó Ba hãy nghĩ đến việc dùng số tiền tiết kiêm ấy để bù đắp cho quãng đời đầy thiếu thốn và vất vả của mẹ.

Điều khó nói nhất này, con xin lỗi Ba trước khi nói. "xin Ba đừng ép mẹ phải theo sở thích của Ba. Con hiểu đàn ông thích những gì chân phương, không thích màu mè sặc sở.Nhưng me là phụ nữ, tô một chút son môi, thỉnh thoảng sơn móng tay hay mua 1 cái áo mới mỗi năm thì đâu có gì là quá đáng, sao mẹ lại không được làm, sao lại bắt mẹ phải chìu theo sở thích của Ba, Ba có thể mặc áo cũ nhưng mẹ, là phụ nữ thì cũng nên cho me một góc phụ nữ.

Có bao giờ Ba nhìn lại để thấy mẹ như đang sống ở một nơi xa lạ với nếp sống của xã hội hiện nay bởi chính sở thích của Ba?

Hàng ngày, 

-ngoài giờ đi làm mẹ chỉ loanh quanh trong nhà với cơm nước con cái nhà cửa, ... Không bạn bè, không shopping, không nữ trang son phấn, thậm chí không được mua vài chậu hoa rẻ tiền nhất để về trồng.

-bộ cánh đi ra ngoài của mẹ bạc phết, lỗi thời...

Mỗi lần về thăm Ba mẹ, nhìn những chậu cây sứt mẻ, những chậu cây tự tạo từ chai nhựa phế thải... và nghe Ba càm ràm "cái gì bả cũng không bỏ, mấy cái chai lọ linh tinh... trồng chi mà đủ thứ trong những thứ như vậy nhìn không ra gì cả.... không trồng thì thôi, làm gì phải làm cho đàng hoàng"

Ba có bao giờ nghĩ "cái khó ló cái khôn", mẹ thích trồng trọt nhưng không được đi mua sắm thì dĩ nhiên là các chai lọ phế thải phải được tận dụng... không được đi mua sắm bất kỳ thứ gì  thì làm sao mà đàng hoàng được hả Ba? Ba có bao giờ đọc được nỗi buồn của mẹ mỗi khi trồng bông trong tất cả những gì mẹ tận dụng được từ đồ phế thải?.

Sao ba không nghĩ thay vì càm ràm ... Ba chở mẹ đi mua hay khuyến khích/ tư vấn mẹ nên mua chậu trồng cây... hoặc Ba mua tặng mẹ nhân sinh nhật hay một ngày lễ bá vơ nào đó hoặc không lễ lộc gì mà là muốn mua cho mẹ có mà trồng cây? Con nghĩ nhận được sự quan tâm và những món mà Ba mua cho mẹ đúng với với nhu cầu dù là nhỏ xíu thì có lẽ mẹ hạnh phúc lắm.

Gần đây nhất, con thấy mẹ hết trồng bông trong sân, ngay cả trồng bông cho ngày Tết như mẹ vẫn làm nhiều năm trước. Hỏi ra mới hay rằng Ba chỉ muốn mẹ trồng mỗi loại 1 cây, và Ba tỏ ra không thích mẹ trồng cây nên mẹ không trồng nữa.

Sao vậy hả Ba, có phải vì Ba muốn mẹ giữ gìn sức khỏe hay vì lý do gì khác?

Con nghĩ, cho dù sức khỏe của mẹ ngày càng giảm thì nguồn vui được trồng trọt của mẹ có lẽ vẫn còn. Sao Ba không một tay giúp mẹ trồng trọt dể mẹ còn cảm thấy tuổi già không ảm đạm, bi quan mà lại cấm đoán? 

Ba ơi con người càng có tuổi, càng cần có niềm vui. Con người hay đau bệnh thì lại rất cần giúp họ tạo niềm vui để quên bệnh tật.

Mấy mươi năm nay, mẹ vì gia đình, vì sở thích của Ba mà bó mình trong cái khuôn của Ba... mẹ không còn nhiều ngày để sống, sao Ba không nghĩ tới mẹ cần có niềm vui? Sao Ba không nghĩ là Ba cần làm điều gì đó để duy trì niềm lạc quan vui sống trong đầu óc của mẹ  mà cứ chăm chắm tiết kiệm như bao năm qua đã tiết kiệm chỉ vì nghĩ tới việc dành dụm... để rồi cứ bó buộc mẹ nhất nhất phải làm theo ý của Ba _ tiết kiệm/ dè sẻn?

Ba ơi, mẹ cần Ba bù đắp cho những ngày vất vả & thiếu thốn. Còn chúng con, Ba mẹ đã dồn sức đăng đẳng nhiều năm chăm lo cho chúng con nên người, có nghề nghiệp ổn định. Chúng con phải có bổn phận đền đáp chứ đâu phải tiếp tục được hỗ trợ.

Ba, hôm mẹ bị té, lúc mẹ ở bệnh viện, chúng con lục tìm đồ để mang vào bệnh viện cho mẹ, mới hay rằng mẹ chẳng có áo quần chi, Bấy lâu nay con cứ nói mẹ hoài cổ, cứ mặc mấy cái áo cũ xì. Hôm soạn tủ của mẹ con mới rõ vì sao mẹ cứ mặc hoài áo cũ hay cái áo con mua... híc... lâu nay con cứ tưởng mẹ thương nên mẹ chỉ mặc áo mình mua cho mẹ.

(con cũng tệ, con nghĩ mua đồ cho me mặc ở nhà là tiện vì nếu không hạp gu của mẹ thì vẫn là đồ mặc ở nhà,... cho nên con ít mua cho mẹ đồ đi đường, con nghĩ để mẹ tự đi mua đồ đi ngoài thì mẹ vui và vừa ý mẹ hơn là con mua)

Ba ơi, Ba có thương mẹ không Ba?

Ba ơi, mẹ có đáng được cha con mình bù đắp cho tuổi thanh xuân .. cho cả quãng đời dài dành cho gia đình này không hả Ba?

Vậy hén Ba, BÙ ĐẮP cho mẹ, CHẤM DỨT ý nghĩ DÀNH DỤM.

Vậy hén Ba, bù đắp cho mẹ không chỉ bằng tiền bạc mà cả về thời gian nữa nhen Ba_ đừng biến mẹ thành cái bóng của Ba, đừng xem mẹ chỉ là vợ trong quan điểm "tam tòng"*, Ba hãy là người bạn đời, người bạn đồng hành chia sẻ không chỉ về trách nhiệm với gia đình & con cái mà còn là chia sẻ những sở thích _ cho dù đôi sở thích của mẹ lại không là sở thích của Ba (ví dụ như trồng trọt)

Xin Ba hãy dừng bớt những công việc cá nhân để có ít nhất 1 giờ trong ngày dành riêng cho mẹ dù chỉ là cùng ra sân để nói những chuyện bá vơ _cây bông này đẹp, cái lá này sâu sia, cái áo này đan khéo, dĩa đồ ăn trình bày đẹp, cá kho ngon..... thay cho những càm ràm hay nói chuyện thời sự TV và miệt mài với cái computer.


----

*tam tòng:"Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử/chưa lấy chồng thì theo cha, lấy chồng thì theo chồng, chồng chết thì theo con"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...