Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2024

240. GIÂM CÀNH HOA ĐỖ QUYÊN (tiếp theo)

Trưa nay ở đây mưa khá lớn nhưng chỉ trút nước rào rào một chút là giảm lại thành lâm râm. Trời u ám lắm. 

Hên là hôm qua đã trồng các cành giâm ra chậu nên có thời gian để thực hiện sớm lời hứa ở bài 214. GIÂM CÀNH HOA ĐỖ QUYÊN. Đây là cách giâm cành không dùng chất kích rễ dù là hóa chất hay tự làm từ thảo mộc.

1/ Các cành Đỗ Quyên được giâm trong chai chứa nước hứng từ vòi nước sinh hoạt. Cứ thấy nước rút xuống là châm thêm.

Chai này có 3 cành giâm. Miệng chai hẹp nên rễ của các cành bết vào nhau, phải gỡ từ từ mới tách ra được.

Hình bên dưới là đã tách rời 3 cành giâm rời ra. 

Rễ mọc ra không đều. Các rễ mọc ở vị trí mọc lá. Có cành không có rễ.

Cành ở giữa có vẻ ngập sâu trong nước nên chỗ nào là nơi mọc lá là nó mọc rễ. Vì vậy phải chọn chậu có chiều sâu phải che kín bộ rễ của nó.

Chậu này là cành sát bên con dao. Do khoảng có mọc rễ hơi dài nên tôi khoét đáy cái ly để đặt chồng lên cái chậu cho có độ sâu đủ che phủ bộ rễ.
Cành không có rễ tôi cắm vào khe giữa ly và chậu (nó bị khuất không trông thấy)

2/ Các cành này cũng giâm trong chai nước, cùng giâm 1 ngày với 3 chai có 3 cành ở hình bên trên nhưng chai nước để ở chỗ râm thiếu ánh sáng. Sau khi phát hiện chúng không có rễ nên đã thả vô chỗ khác (hủ Yogurt 1l cũ). Nay chỉ có 2 nhánh ra rễ (nơi khoanh tròn đỏ)
Còn 2 mũi tên có dấu đỏ là chỗ tôi nghi là nụ bông vì nó to.
Tôi đã cắt bớt đoạn không thấy mắt lá để vừa  chậu.

Tôi trồng 2 cành 'nghi ngờ' có nụ bông vào chung (buộc cho chúng kề sát nhau luôn 😀).


ĐẤT TRỒNG:
Tôi pha tỉ lên 50-50 gồm đất trong sân vườn và đất dùng trồng cho Đỗ Quyên- Dành Dành- hoa Trà (Azalea- Gardenia- Camellia)
Phần tiếp xúc với rễ là đất trong sân vườn.

NƯỚC:
Tưới nước mưa. Tưới ướt đẫm và đặt chậu lên vĩ giữ nước để nước khoảng 1-2cm tùy theo phần rễ trong đất để trong giai đoạn mới trồng thì rễ không bị khô nhờ có nước ngấm qua đất.
Các cành giâm trong chai này đã lâu lắm mà không được thay nước nên nước đóng rong, rong bám vô rễ đen thui.

VỊ TRÍ ĐẶT CHẬU: Phải tùy giống cây.
Nếu cây chỉ thích hợp bóng râm 1 phần thì nơi để chậu chỉ nhận nắng sáng.
Nếu giống Đỗ Quyên thích ánh sáng toàn phần thì trong giai đoạn mới trồng ra chậu vẫn để nơi nhận sáng cho đến khi thấy cây cứng cáp mới dời chỗ.

GHI NHẬN:
/Cắt cành giâm: Cành Đỗ Quyên được giâm là cành có vỏ đã qua màu gỗ (tức là cành bánh tẻ). Vết cắt phải sát với nơi mọc lá, vì rễ chỉ mọc ở các nơi đó. Và tránh làm trầy xướt các nơi đã mọc lá để không ảnh hưởng đến việc mọc rễ.
// Nước: Có lẽ nên dùng nước mưa, vì nước mưa trung tính nên sẽ không gây ảnh hưởng đến độ pH. Tôi nghĩ như thế vì biết Đỗ Quyên thích acid nên đất có độ pH từ 4.5 đến 6 là thích hợp với Đỗ Quyên.
/// Nguyên nhân lá mất chất diệp lục: thắc mắc.
Dùng nước máy có phải là nguyên nhân làm lá bị bạc phết?
Các cành tôi giâm vẫn ở trong nước trong thời gian quá lâu. Đó có phải là nguyên nhân làm bạc lá?

Bạn ơi,

Tôi cũng mới tập tành trồng hoa Đỗ Quyên, mọi ghi nhận có thể phiến diện hay chưa thật đúng. Đây coi như sự chia sẻ việc trồng Đỗ Quyên với những bạn yêu thích trồng Đỗ Quyên để có thể chỉ dẫn thêm cho tôi.

====

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...